21/10/2022 07:54
Bài 1: Chuyển đổi lĩnh vực thủy sản, tạo thành ngành chủ lực |
Bài 2: Sản xuất cây trồng theo hướng kinh tế, tập trung hàng hóa
Bà Trần Thị Tiền, ngụ ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, nhờ chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí đao, nâng giá trị sử dụng đất gần 240 triệu đồng/ha/năm/03 vụ màu.
Từ nông nghiệp thuần là lúa, từng bước phát triển đa dạng các loại cây trồng theo hướng kinh tế, tập trung hàng hóa, có giá trị và theo nhu cầu của thị trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp công nghệ cao… đòi hỏi có thời gian. Tuy nhiên, qua 05 năm (2017 - 2022) thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực cây trồng vừa tăng giá trị, vừa đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh đã đạt những thành quả đáng trân trọng.
Với mục tiêu: tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với cơ chế thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng, đặt lên hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do vậy, 05 năm qua, lĩnh vực cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả quan trọng, chuyển đổi mạnh từ các loại cây trồng hiệu quả thấp sang các loại cây trồng cho kinh tế cao, góp phần cùng với ngành tăng trưởng GRDP của tỉnh hàng năm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực, từng bước nhân rộng một số mô hình hiệu quả, ứng dụng cơ giới vào sản xuất; công tác phòng, chống sâu bệnh được thực hiện tích cực nên đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương; diện tích sử dụng giống mới ngày càng mở rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng như: lúa gạo, đậu phộng, bưởi da xanh, dừa hữu cơ...
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đến cuối năm 2021, diện tích trồng lúa đạt 208.016ha/năm, sản lượng đạt trên 1,15 triệu tấn (lúa chất lượng cao chiếm 60% diện tích và sản lượng). Việc đưa cây màu xuống chân ruộng đang phát triển, tổng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác năm 2021 là 50.197ha, sản lượng 1,34 triệu tấn. Diện tích cây ăn trái và cây dừa tiếp tục được cải tạo và trồng mới trên 9.000ha, nâng đến nay 42.217ha, tăng 5.530ha so với năm 2015, tổng sản lượng đạt trên 600.000 tấn, tăng hơn 106.000 tấn. Từ năm 2015 đến nay đã có 19.220ha đất trồng lúa chuyển sang cây trồng khác, hiệu quả tăng từ 1,3 - 7,63 lần so với trước khi chuyển đổi.
Đáng chú ý, toàn tỉnh có 24.954ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm gần 10% diện tích sản xuất nông nghiệp, gồm: sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,71ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 7.382ha...
Phấn đấu đến năm 2025 Nâng giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 145 triệu đồng/ha; duy trì mức tăng trưởng ngành trồng trọt trên 2,5%/năm; tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt khoảng 265.750ha, sản lượng đạt 3,17 triệu tấn (lúa 1,17 triệu tấn) và sản lượng cây lâu năm đạt khoảng 620.000 tấn (cây ăn trái 269.000 tấn, cây dừa 351.000 tấn). Tỷ trọng lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 35%; lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt từ 50 - 60%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. |
Tỉnh đã toàn lực thực hiện đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. 05 năm qua đã thành lập gần 100 HTX nông nghiệp (đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 170 HTX, trong đó có 124 HTX nông nghiệp, tổng vốn điều lệ 165,298 tỷ đồng); khuyến khích và tạo thuận lợi cho 20 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước; đến nay, toàn tỉnh có khoảng 25% giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết; những sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP như: lúa gạo, xoài, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, quýt đường, dừa sáp...
Ông Lê Văn Đông khẳng định, đó là kết quả của nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, phát triển thủy lợi phục vụ tái cơ cấu. Trong 05 năm qua, ngành triển khai thực hiện trên 45 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh kết hợp với một số công trình trọng điểm do Bộ NN-PTNT đầu tư: cống Bông Bót, Tân Dinh, kênh Mây Phốp - Ngã Hậu và cống kết hợp với trạm bơm Kênh 3 Tháng 2 đã phát huy tối đa hiệu quả tiểu dự án thủy lợi Nam Măng Thít. Bên cạnh, phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức nạo vét trên 500 công trình thủy lợi nội đồng, dài hơn 1.500km cơ bản đáp ứng nhu cầu ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo tưới tiêu trên 90% diện tích đất nông nghiệp, tăng 05% so với năm 2015.
Tái cơ cấu nông nghiệp luôn gắn với XDNTM; tỉnh triển khai đồng bộ và quyết tâm chính trị cao… nên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu trước gần 02 năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân; bộ mặt nông nghiệp, nông thôn luôn đổi mới. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân khu vực nông thôn cuối năm 2021 hơn 52 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015 và giảm hộ nghèo từ 7,22% năm 2015 (theo chuẩn nghèo cũ) còn 3,56% năm 2021 (theo chuẩn nghèo mới); lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 60%, tăng 20% so với năm 2015.
Với những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực có lợi thế, giá trị kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa: lúa gạo, đậu phộng, cam sành, bưởi, xoài, nhãn, dừa... phù hợp với từng vùng sinh thái, gắn với cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, hiệu quả, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, phấn đấu chuyển khoảng 10.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Mở rộng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, tập trung đưa cây màu luân canh trên đất trồng lúa; phát triển các loại màu chủ lực thành các vùng sản xuất tập trung. Đẩy mạnh phát triển nuôi, trồng các loại dược liệu có khả năng thương mại hóa cao. Đặc biệt, phát triển các vùng sản xuất trọng điểm cây ăn quả chủ lực và cây dừa ở các huyện vùng ngọt cặp theo tuyến Sông Tiền và Sông Hậu. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.