28/04/2021 13:29
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh (phải) tham quan sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Xác định cụ thể nội dung công việc, nên trong công tác tổ chức, phối hợp thực hiện, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2451/QĐ-UBND, ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về PVTM, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp PVTM thông qua việc nâng cao khả năng phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường Trà Vinh và các ngành liên quan tăng cường theo dõi tình hình xuất, nhập khẩu với các đối tượng thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện có liên quan đến PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện có liên quan đến PVTM, hướng tới xuất khẩu bền vững; tăng cường kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn tỉnh; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM; tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng cường nguồn lực, năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với tình trạng lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường phối hợp với các sở, ngành tỉnh, địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, nhất là việc phối hợp trong chia sẻ thông tin.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ, ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài điều tra cũng như chủ động sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định pháp luật. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực theo dõi, cảnh báo ứng phó với tình trạng lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ. Trong đó, ứu tiên đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thương mại của tỉnh.
Ông Võ Minh Cầm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: với vai trò tổ chức thực hiện, Sở Công thương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp PVTM, đặc biệt là quy định của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, quy định của các thị trường xuất khẩu tiềm năng, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Qua đó, theo dõi, thống kê và cập nhật thường xuyên danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp bởi các nước thường xuyên áp dụng các biện pháp PVTM, các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh, giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật, khi nhận được thông tin có dấu hiệu gian lận xuất xứ. Tăng cường và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra trong quá trình điều tra các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường; tăng cường nghiên cứu những quy định về PVTM, rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu để thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp; đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường.
Song song đó, Sở Công thương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp về hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, đặc biệt là kiểm tra, giám sát toàn bộ các cuộc hội nghị, hội thảo và đào tạo về bán hàng đa cấp tổ chức trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý, kết quả đến nay chưa phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Cạnh tranh, giải pháp để giúp doanh nghiệp PVTM từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, có hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tham dự.
Theo ông Võ Minh Cầm, vấn đề quan tâm hiện nay trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, Sở Công thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai Luật Cạnh tranh, Đề án “tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” và các văn bản liên quan nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, qua đó nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải tiến sản phẩm, mẫu mã bao bì, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm mới có thể đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.