25/02/2022 07:41
Ông Lê Hồng Sơn (trái), Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh tuần tra vệ sinh phòng, chống cháy rừng phòng hộ phi lao trên địa bàn xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang.
Lĩnh vực lâm nghiệp có chuyển biến mạnh trên nhiều phương diện, rừng tiếp tục được chăm sóc quản lý, bảo vệ và phát triển tốt. Việc trồng rừng đã tạo độ che phủ rừng của tỉnh lên 3,95%, góp phần hạn chế xói lở, chắn gió, bảo vệ bờ biển, ổn định môi trường sinh thái cho sản xuất nông nghiệp.
Nhờ có rừng phòng hộ, nên việc sản xuất của gia đình ông Võ Văn Luận, ấp Bến Đáy B, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang những năm qua không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Ông Luận cho biết: với 2.500m2 đất nằm ven rừng phòng hộ phi lao, hàng năm, ông trồng 03 vụ màu/năm chủ yếu dưa hấu, ớt chỉ thiên. Những năm gần đây, ông nhận thấy việc trồng dưa hấu gặp nhiều khó khăn, nhất là do thời tiết diễn biến thất thường, có nhiều sương muối nên dưa hấu chậm phát triển, giảm năng suất. Mặc dù rừng phòng hộ phi lao chắn được gió nhưng không chắn được sương muối. Do điều kiện đất canh tác gần rừng phòng hộ phi lao nên chịu ảnh hưởng nhiều của sương muối. Vụ màu năm nay ông chuyển sang trồng chuyên canh cây ớt chỉ thiên với tổng chi phí đầu tư ban đầu 10 triệu đồng và hiện đang cho thu hoạch, năng suất đạt cao, nhưng giá bán không ổn định, khoảng 12.000 đồng/kg, trong khi chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, kết thúc vụ ớt, ông đạt lợi nhuận khoảng 02 - 03 triệu đồng/1.000m2.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Kỳ, ngụ cùng ấp đang thu hoạch 3.000m2 ớt chỉ thiên cho biết: từ khi có rừng phòng hộ phi lao, việc sản xuất của người dân nơi đây có nhiều thuận lợi hơn. Nhớ lại những năm trước, vào mùa gió chướng, gió lớn, cát bay, làm cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là những rẫy dưa hấu bị gió thổi cuộn tròn. Mặt khác vào mùa khô, do sức nóng gay gắt, đất sản xuất nhanh khô, nên người sản xuất cách 01 giờ phun nước tưới rau màu 01 lần để giữ ẩm cho cây trồng, giúp cây tăng sức đề kháng, đạt năng suất cao. Hiện 3.000m2 ớt chỉ thiên đang thu hoạch cổ 2, bình quân khoảng 50 - 70kg/ngày, giá bán 12.000 đồng/kg, thu nhập từ 600.000 - 800.000 đồng/ngày. Với giá ớt sụt giảm như hiện nay nếu thuê nhân công thu hoạch 5.000 đồng/kg, cộng thêm tiền phân bón thì người trồng không có lợi nhuận. Do đó bà tranh thủ lấy công làm lời, bà thu hoạch mỗi ngày.
Với lợi thế mang lại từ việc trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, những năm qua, Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Cầu Ngang (Hạt Kiểm lâm) thường xuyên tham mưu với lãnh đạo 02 huyện và được sự phối hợp hiệu quả của các ngành hữu quan và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong thực hiện các hạng mục công trình lâm sinh và nhiệm vụ chính trị trên giao đều đạt theo tiến độ đề ra.
Năm 2021, Hạt Kiểm lâm tổ chức 117 lượt tuần tra kiểm tra rừng, tuyên truyền 08 cuộc về Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm về công tác phòng, chống cháy rừng, bảo vệ và phát triển rừng ở 02 huyện Châu Thành và Cầu Ngang. Hạt Kiểm lâm phối hợp với Đồn Biên phòng Mỹ Long, Đội Kiểm lâm Cơ động thả 02 cá thể khỉ và 02 cá thể kỳ đà về rừng (Cồn Nạn); nghiệm thu vệ sinh phòng, chống cháy rừng phòng hộ phi lao trên địa bàn xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam với 05ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Kiểm tra việc cải tạo ao hồ, tôn cao bờ bao bằng cơ giới của 09 hộ dân ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, kết quả các hộ trên thực hiện đúng theo hồ sơ đã xét duyệt, thẩm định. Kiểm tra việc trồng rừng của các dự án, công tác chăm sóc rừng trồng, tra dặm rừng trên diện tích 134,82ha; tổ chức trồng 1.400 cây dừa nước với chủ đề “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ở khu vực rừng phòng hộ thuộc ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang; đồng thời, nhắc nhở các tổ chức và các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng 02 huyện Châu Thành - Cầu Ngang tuần tra, kiểm tra bảo vệ tốt rừng đã nhận khoán.
Ông Lê Hồng Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Cầu Ngang cho biết: mặc dù công tác tuyên truyền các quy định về đất đai và lợi ích kinh tế từ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng đến người dân, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân trong và ngoài huyện ý thức chưa cao, còn vào rừng đốn phá cây rừng và vì lợi ích cục bộ trước mắt lấn chiếm rừng, đất rừng, đặc biệt do lực lượng ít người, quản lý địa bàn rộng, có nhiều cù lao, cách sông phương tiện đi lại phải qua đò, việc tuần tra, kiểm tra rừng có lúc chưa chặt chẽ, vì thế, năm qua có 05 trường hợp vi phạm phá rừng, lấn chiếm rừng phòng hộ trái pháp luật để mở rộng diện tích nuôi thủy sản, làm thiệt hại 3.166m2 rừng, Hạt Kiểm lâm đã giáo dục và ra quyết định xử phạt với số tiền 43 triệu đồng. Ngoài việc nộp phạt, các đương sự khắc phục hậu quả bằng cách trồng rừng lại. Song song đó, Hạt Kiểm lâm tăng cường kiểm tra các hộ gây nuôi động vật hoang dã và kinh doanh chế biến gỗ. Qua kiểm tra, các hộ thực hiện đúng trình tự thủ tục, không có cơ sở nào vi phạm.
Theo kế hoạch năm 2022, Hạt Kiểm lâm triển khai trồng 30ha rừng trên địa bàn 02 huyện. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng phi lao trong mùa khô sắp tới. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân các khu vực có rừng phi lao tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép liên quan đến tài nguyên rừng. Xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Kiểm tra xuất nhập gỗ của các cơ sở kinh doanh chế biến gỗ và các hộ gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn 02 huyện.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.