25/06/2023 06:02
Nông dân Thạch Hết, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang sử dụng nước ngầm từ giếng khoan phục vụ tưới tiêu.
Theo đồng chí Lê Đình Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh có 03 bãi chứa bùn K4, K5 và K8 đang đề xuất gia hạn thời gian hạ độ cao; 16 bãi chứa bùn thuộc 02 dự án nạo vét kênh trục do Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Trà Vinh đại diện quản lý; 29 bãi chứa thuộc 02 dự án nạo vét kênh trục do Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hiệp khai thác.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước, Sở Tài Nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên, khoáng sản với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đồng thời, kiểm tra 15 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất; 08 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt; 14 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trong 02 năm 2021 - 2022 trên 131 tỷ đồng.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, nhất là công tác quản lý nước ngầm chưa sát sao, kiểm soát chưa chặt chẽ và xử lý chưa nghiêm; còn một số tổ chức, cá nhân khai thác nước khi giấy phép đã hết hạn; tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp hành nghề không đăng ký, người thuê khoan giếng không khai báo vẫn còn; có trường hợp giếng khoan khai thác ban đầu với mục đích phục vụ sinh hoạt không thuộc đối tượng phải xin phép nhưng sau đó lại sử dụng vào mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản. Số lượng giếng khoan trên địa bàn tỉnh hiện nay rất nhiều, điều này có khả năng sụt giảm tầng nước ngầm và từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, tình trạng khoan giếng mới vẫn tiếp tục diễn ra.
Công tác trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng chưa được quan tâm thực hiện, so với thời điểm giám sát năm 2021, thì đến nay tình hình này vẫn chưa chuyển biến. Mặt khác, xuất hiện tình trạng một số hộ dân tự trám lấp không đúng quy trình kỹ thuật. Nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao không đảm bảo quy trình xử lý chất thải và xả trực tiếp ra sông, rạch gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm thả lan xung quanh, gây bức xúc trong Nhân dân; chưa tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND, ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành quy định về điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Khai thác khoáng sản (đất mặt ruộng) không có giấy phép. Ảnh: BTV
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các địa phương quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả chưa cao: tại địa bàn thị xã Duyên Hải, giai đoạn 2021 - 2022, thị xã Duyên Hải được UBND tỉnh cấp phép khai thác 02 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đồng thời có 05 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác tài nguyên nước. Kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương, qua đó có 9.989 giếng đang sử dụng. Tuần tra, kiểm tra 413 cuộc, kiểm tra cố định 1.984 phương tiện về khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có 1.886 lượt lực lượng tham gia, phát hiện 02 trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền trên địa bàn thị xã về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản chưa cao; một số cán bộ công chức chưa nắm rõ quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản; có trường hợp người dân chưa nắm rõ quy định pháp luật nên còn vi phạm, khai thác khoáng sản. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản còn xảy ra tình trạng người dân khai thác đất động cát, sên cải tạo ao hồ có sử dụng phần đất dôi dư dễ vận chuyển sử dụng vào mục đích khác chưa xin phép, có trường hợp khai thác khoáng sản (cát biển) trái phép... Công tác quản lý nước ngầm chưa chặt chẽ, tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp hành nghề không đăng ký, người thuê khoan giếng không khai báo vẫn còn.
Mặt khác, việc khoan giếng có đường kính lớn để phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn còn diễn ra. Việc thống kê giếng hư hỏng chưa đầy đủ; công tác trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng chưa được quan tâm thực hiện, một số hộ dân tự trám lấp không đúng quy trình kỹ thuật. Công tác quản lý về thuế, phí có mặt chưa đạt yêu cầu, còn một số cơ sở chưa thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí môi trường ở lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định.
Tại địa bàn huyện Cầu Ngang, giai đoạn 2021 - 2022, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; các phòng, ban chuyên môn huyện thực hiện khảo sát định kỳ về tài nguyên nước, khoáng sản; thực hiện lập biên bản, thẩm định tài sản khi phát hiện các vi phạm về khai thác trái phép khoáng sản; tổ chức thẩm định 21 hồ sơ xin hạ độ cao, cải tạo đất nông nghiệp; khảo sát, kiểm tra doanh nghiệp hành nghề khoan giếng, điều tra số lượng giếng khoan; tuần tra, kiểm tra 80 cuộc về tài nguyên nước, khoáng sản, qua đó phát hiện 08 trường hợp vi pham,...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, thời gian qua công tác tuyên truyền và quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn từng lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; còn xảy ra tình trạng người dân khai thác cát (cát sông) trái phép, lấy đất mặt ruộng không xin phép; tình trạng khai thác đất giồng cát còn diễn ra nhiều (nhất là địa bàn xã Long Sơn) gây bức xúc trong dân; vận chuyển khoáng sản không có che phủ để bụi, đất rơi vãi trên các tuyến đường ảnh hưởng đến người tham gia giao thông cũng như ô nhiễm môi trường... Việc khai thác đất bờ kênh, bãi chứa bùn còn nhiều vấn đề, nhất việc khai thác đất quá sâu so với mặt bằng bờ kênh, không đảm bảo môi trường và chưa thực hiện tốt việc trả mặt bằng bờ kênh, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Công tác quản lý nước ngầm chưa chặt chẽ, tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp hành nghề không đăng ký, người thuê khoan giếng không khai báo. Số lượng giếng khoan trên địa bàn huyện hiện nay rất nhiều (26.496 công trình khai thác nước dưới đất), điều này có nhiều khả năng làm sụt giảm tầng nước ngầm.
Từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện lại tiếp tục cho khoan mới 115 giếng. Số lượng giếng hư hỏng còn nhiều, một số hộ dân tự trám lấp không đúng quy trình kỹ thuật (xã Thuận Hòa có 35 giếng hư hỏng, không sử dụng, chủ giếng tự trám lấp xã Vinh Kim có 48 giếng hư hỏng, không sử dụng, chủ giếng trám lấp).
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức trong bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản. Kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Phối hợp với các địa phương thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát sông, cát biển, đất cát giồng, đất sét, đất mặt ruộng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân giám sát việc khai thác khoáng sản trái phép. Trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép cho sở, ngành và địa phương. Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh và giữa các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã và thành phố nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản vi phạm pháp luật tại các khu vực giáp ranh. |
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.