25/04/2024 20:11
Đại biểu dự cuộc họp.
Ngày 25/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh tổ chức cuộc họp kỹ thuật tham vấn ý kiến của 03 tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang về Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” (STAR-FARM) nhằm hướng đến chọn địa điểm (cấp huyện, xã) để triển khai các hoạt động của Dự án.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT; đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện, Cục thuộc Bộ NN-PTNT; các tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang.
Dự án STAR-FARM do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1408/QĐ-BNN-HTQT, ngày 07/4/2023, triển khai tại 03 tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, từ năm 2023 - 2027.
Ông Alexis Drogoul, Viện nghiên cứu phát triển (Pháp) - IRD ý kiến về các nhu cầu liên quan đến đổi mới sáng tạo.
Nội dung dự án: hỗ trợ thực hiện chính sách liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thông minh với biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển và cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái; tăng cường năng lực thích ứng của các bên liên quan về giám sát đánh giá trong chuyển đổi các hệ thống lương thực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái công bằng, lành mạnh, bền vững, thân thiện với khí hậu và môi trường.
Tại cuộc họp, đại biểu tập trung thảo luận, ý kiến tham vấn về các tiêu chí phát triển nông nghiệp ưu tiên, các chuỗi giá trị nông nghiệp chính của địa phương và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp thông minh và chống biến đổi khí hậu; các nhu cầu liên quan đến đổi mới sáng tạo, nhu cầu về giống lúa mới kháng bệnh, kháng mặn để đạt mục tiêu cụ thể dự án từ đó đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả.
Đối với tỉnh Trà Vinh hiện nay có thế mạnh về phát triển cây dừa, tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, riêng sản phẩm dừa sáp phát triển nhiều ở huyện Cầu Kè; huyện Cầu Ngang đang phát triển chuỗi cây đậu phộng và liên kết với doanh nghiệp thu mua tại xã Long Sơn. Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay của tỉnh đang phát triển đàn bò vỗ béo tập trung ở Cầu Ngang, Trà Cú và một phần của các huyện lân cận. Vì thế, tỉnh mong muốn Dự án xem xét hỗ trợ cho những địa phương này nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp…
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh: trước tình hình biến đổi khí hậu, nhất là các tỉnh ven biển như Trà Vinh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mục tiêu Dự án “tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các hệ thống lương thực thông minh, bền vững, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm suy thoái môi trường và các tác động bên ngoài khác tại vùng giữa và ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”. Vì thế, Trà Vinh cũng như các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang mong muốn các chuyên gia đến từ Vụ, Viện, Cục và Tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh tìm hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ven biển trong điều kiện khó khăn, thách thức như hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Dự án STAR-FARM có tổng vốn gần 4,2 triệu Euro (tương đương trên 112 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027. Sau khi đánh giá 06 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia đã chọn 03 tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang để triển khai các hoạt động của Dự án. Dự án được thiết kế theo 19 hoạt động gắn với 08 đầu ra và 03 kết quả chính.
Đồng chí Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại cuộc họp.
Các hoạt động và kết quả chính của dự án có ít nhất 24 nhóm nông dân và hợp tác xã được hỗ trợ nâng cao năng lực về quản trị, sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường, hỗ trợ thành lập 08 hợp tác xã của thanh niên, phụ nữ và người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 15 doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính xanh; xây dựng 03 gói hỗ trợ nhằm phát triển các dự án nông nghiệp sáng tạo và mô hình nông nghiệp sinh thái; xây dựng 03 mô hình cho các sản phẩm nông nghiệp sinh thái chủ lực; hỗ trợ 08 mô hình khởi nghiệp liên kết với các chuỗi giá trị bền vững.
Để chuẩn bị cho việc triển khai hiệu quả dự án STAR-FARM, đáp ứng các mục tiêu và phù hợp với nhu cầu của 03 tỉnh thuộc địa bàn triển khai của Dự án, đồng chí Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị 03 tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh phối hợp với bộ, các đối tác triển khai và tiếp nhận, ứng dụng kết quả của Dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài của Dự án đến làm việc tại tỉnh trong thời gian tới.
Tin, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.