11/11/2020 13:00
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty, “hành trình” để đạt sản phẩm thảm xơ dừa đạt OCOP 3 sao phải trải qua bao khó khăn. Từ lúc mới khởi nghiệp, với hai bàn tay trắng, rồi bán ruộng làm vốn, thua lỗ, nghỉ, chuyển sang làm thuê, học nghề…, từng bước hoàn thiện sản phẩm, khách hàng một số nước châu Á đón nhận, nay đã trụ vững và có thị trường xuất khẩu, có nhiều đóng góp cho chuỗi giá trị ngành dừa của tỉnh.
Lao động đang dệt thảm xơ dừa-sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2019 tại Công ty TNHH MTV Út Mừng. |
Công ty TNHH MTV Út Mừng có trụ sở và cơ sở sản xuất tại ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, được thành lập vào năm 2005 với ngành nghề sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa, như: xơ dừa, thảm xơ dừa...; thị trường xuất khẩu chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một ít tại Đài Loan.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy nhớ lại, do nhà ở tại ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, bên sông Cái Hóp, là cửa ngõ đường thủy, nên chứng kiến cảnh tấp nập ghe, xuồng chở dừa trái về các tỉnh Bến Tre, Long An. Do vậy, khoảng năm 1996-1997, vợ chồng tôi quyết định lập cơ sở mua vỏ dừa, dập xơ dừa để làm nguyên liệu dệt thảm. Tuy nhiên, lúc đó địa bàn xã Đức Mỹ chưa có điện đủ phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nên phải sử dụng máy nổ. Sau thời gian hoạt động, do chi phí lớn, nên thua lỗ phải chuyển nghề. Bán ruộng, mua ghe chở thuê dừa trái sang Bến Tre, thuê người tách ruột hưởng chênh lệch; riêng vỏ vừa, chở đem về để cơ sở hoạt động cầm chừng, mục tiêu chính lúc này của bà và gia đình là học nghề dệt thảm.
Trà Vinh định hướng dừa là một trong những cây trồng chủ lực, nông dân có truyền thống thâm canh cây dừa lâu đời, cây dừa có lợi thế và phù hợp thổ nhưỡng, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Hơn nữa, dừa là loại cây dễ chuyển đổi so các loại cây khác, tỉnh đặt mục tiêu phát huy hiệu quả kinh tế theo xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh. Hiện nay, toàn tỉnh đã ổn định 22.000ha dừa, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 321.000 tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh đạt 25.000ha, năng suất 17 tấn/ha, sản lượng 357.000 tấn. Toàn tỉnh có 89.000 hộ dân trồng dừa, chiếm 40%/tổng số hộ khu vực nông thôn, khoảng 170.000 lao động tham gia sản xuất, bình quân khoảng 0,25ha dừa/hộ, thu nhập từ 30-45 triệu đồng/ha/năm… đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào và vững chắc, giúp Công ty TNHH MTV Út Mừng tồn tại và phát triển. |
Năm 2001, bà Nguyễn Thị Kim Thúy mở cơ sở dệt thảm xơ dừa, nhưng với quy mô hộ kinh doanh. Năm 2009, đăng ký thành lập Công ty và hoạt động hiệu quả đến nay. Hiện, Công ty đã sản xuất nhiều sản phẩm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu: thảm xơ dừa (sản phẩm đạt OCOP) - sản phẩm chủ lực của Công ty và các sản phẩm khác: dây thừng xơ dừa, mụn dừa, chiếu lác xuất khẩu, túi xách dừa, chậu xơ dừa phục vụ các điểm du lịch… công suất sản xuất bình quân của Công ty hiện nay từ 10-15 container/tháng (40 feet/container), trong đó, xuất khẩu trực tiếp khoảng 70% sản phẩm, còn lại 30% qua trung gian.
Niềm tin vững chắc đối với sản phẩm thảm xơ dừa, tính bền vững trong tương lai và có khả năng tiếp tục nâng sản phẩm thành 04 sao trong thời gian không xa. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, vừa qua thực hiện chủ trương nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng dừa thông qua giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19, ngày 18/6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) đã thống nhất hỗ trợ Công ty 0,8 tỷ đồng (không hoàn lại). Theo đó, Công ty lập dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị... sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, tổng số vốn đầu tư dự án là 1,2 tỷ đồng, hiện Công ty đang triển khai.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết thêm, Công ty đang giải quyết việc làm cho trên 100 lao động (làm việc tại Công ty) và khoảng 50 lao động theo thời vụ (bốc vác, đóng kiện, kiểm hàng, mua dừa…), lương bình quân từ 05-07 triệu đồng/người/tháng; tất cả đều là lao động tại địa phương, trên 50% lao động nữ. Hiện Công ty đạt doanh thu từ 35 - 40 tỷ đồng/năm.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.