Nông dân huyện Châu Thành đầu tư nhà lưới và hệ thống trồng rau thủy canh.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới; cải tạo vườn tạp trồng mới và cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái và cây dừa thành vùng tập trung; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây trồng chuyển đổi hàng năm trên đất lúa kém hiệu quả đều được điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ để dễ tiếp cận chính sách. 02 trong số những điều kiện được hưởng hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới trước đây phải nằm trong quy hoạch sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh, đồng thời được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Theo sửa đổi thì chỉ cần nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương; đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Với chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng mới và cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái và cây dừa thành vùng tập trung, trước đây để được hỗ trợ phải đảm bảo điều kiện diện tích tập trung liền vùng 02ha, nằm trong quy hoạch. Nhưng theo sửa đổi, bổ sung mới đây, quy mô 02ha có thể liền thửa hoặc không liền thửa (trong phạm vi 50ha).
Bên cạnh đó, trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương, nếu xét thấy cần thiết và phù hợp thì UBND tỉnh quyết định.
Trước đây, trong những điều kiện để các tổ chức, cá nhân được hưởng hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn là khu trang trại phải nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của tỉnh thì nay được sửa đổi, bổ sung khu trang trại nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương.
Tương tự, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây trồng chuyển đổi hàng năm trên đất lúa kém hiệu quả, trước đây một trong những điều kiện để các tổ chức, cá nhân được hưởng hỗ trợ phải đảm bảo vùng sản xuất nằm trong quy hoạch của tỉnh, nay được sửa đổi là vùng sản xuất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương.
Thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HĐND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016. Theo đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh từ 140-150 triệu đồng/ha; đồng thời hỗ trợ chi phí duy trì tiêu chuẩn VietGAP cho rau an toàn 07-08 triệu đồng/ha, hỗ trợ chi phí thuê kiểm soát chất lượng và dán tem từ 15-17 triệu đồng/ha.
Tỉnh cũng hỗ trợ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới từ 45.000-50.000 đồng/m2; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rau an toàn như chi phí xây dựng hoặc thuê cửa hàng kinh doanh rau an toàn, với mức hỗ trợ 30-50 triệu đồng/cửa hàng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm rau an toàn 02 triệu đồng/ha… tùy đối tượng là doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đối với hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng mới và cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái và cây dừa thành vùng tập trung, mức hỗ trợ từ 06-12 triệu đồng/ha (năm đầu); từ 03-05 triệu đồng/ha (năm thứ 02) tùy đối tượng là doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác và tùy loại vườn. Thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây trồng chuyển đổi hàng năm trên đất lúa kém hiệu quả, với mức hỗ trợ từ 03-05 triệu đồng/ha; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm 02 triệu đồng/ha; hỗ trợ tạm trữ bắp và đậu phộng... ngoài ra, tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mức hỗ trợ lên đến 03-03,5 tỷ đồng (tùy đối tượng).
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiếp cận chính sách đối với các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt theo kế hoạch hàng năm hơn 75 tỷ đồng và đã phân bổ gần 32 tỷ đồng cho các địa phương, nhưng toàn tỉnh chỉ giải ngân hơn 18 tỷ đồng, bằng 57,69% kinh phí được phân bổ.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây để được hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh và rau an toàn trong nhà lưới thì tổ chức, cá nhân phải được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Quy định của Nghị quyết số 15 trước đây buộc đối tượng phải nằm trong quy hoạch nhưng điều này hiện tại không còn phù hợp với Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, để được hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng mới và cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái và cây dừa thành vùng tập trung, phải đảm bảo điều kiện diện tích tập trung liền vùng 02 ha khiến doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác rất khó tiếp cận được chính sách.
Bài, ảnh: THANH HÒA