14/09/2020 07:12
Trao đổi với chúng tôi, anh Thạch Thông ở ấp Chông Nô II, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết, hiện nay giá dừa sáp đang tăng trở lại, dao động từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/trái tùy từng cỡ trái được phân loại; số lượng bao nhiêu cũng được thu mua hết. Do đó, với khoản thu nhập đều đặn hơn 02 triệu đồng mỗi tháng từ tiền bán trái dừa sáp đã góp phần không nhỏ để ổn định cho cuộc sống của gia đình, đó là chưa kể đến số tiền bán trái dừa khô. Vì vậy, bên cạnh việc chăm lo làm ruộng thì vấn đề chăm sóc cho gần 100 cây dừa sáp được trồng trên diện tích 05 công đất luôn được gia đình quan tâm.
Thương hiệu trái dừa sáp Cầu Kè đã được nhiều người biết đến, vì vậy nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng lên, nhất là vào thời điểm bước vào đầu tháng 7 âm lịch, gắn với lễ hội Vu Lan tại huyện Cầu Kè được tỉnh tổ chức hàng năm. Nhu cầu tăng, kéo theo giá cả cũng khá hấp dẫn, do đó các hộ trồng dừa sáp cũng đang phấn khởi. Ông Kim Út ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: mỗi cây dừa sáp của gia đình ông, bình quân một năm thu về gần 04 triệu đồng và tình trạng “dội chợ” cũng không có nên khá hiệu quả.
Trong những ngày qua, giá dừa sáp được các chủ vựa tại địa phương thu mua đối với dừa sáp đặc sệt (loại I) có trọng lượng từ 01-1,2kg có giá 130.000 đồng/trái, loại II trọng lượng từ 0,8-01kg có giá 110.000 đồng/trái và loại III từ 0,6-0,8kg có giá 80.000 đồng/trái. Đồng thời tùy vào giống dừa sáp thông thường hay giống dừa sáp cấy phôi, cùng với cách chăm sóc khác nhau mà mỗi loại cây cũng cho tỷ lệ sáp cao - thấp khác nhau. Ông Thạch Phu My, một nông dân có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng dừa sáp ở huyện Cầu Kè cho biết “dù bán nhỏ lẻ thông qua các chủ vựa nhưng hiện tại không đủ dừa để bán ra thị trường…”.
Theo thống kê của UBND xã Hòa Tân, toàn xã hiện có hơn 210ha đất trồng dừa sáp, với sản lượng thu hoạch hàng năm ước tính khoảng trên 01 triệu trái. Tuy nhiên, phần lớn các nhà vườn đều bán nhỏ lẻ thông qua các chủ vựa tại địa phương để đem đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong khi, HTX dừa sáp Hòa Tân là hợp tác xã dừa sáp duy nhất trên địa bàn tỉnh, nhưng sản lượng thu mua chỉ riêng của xã Hòa Tân chiếm khoảng 1/3 lượng dừa sáp của xã.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, diện tích dừa của toàn huyện có hơn 1.879ha, với trên 413.400 cây, trong đó dừa sáp gần 72.000 cây, đang cho trái trên 57.500 cây và ước sản lượng hàng năm hơn 02 triệu trái sáp.
Hiện nay, phần lớn nhà vườn đều bán nhỏ lẻ cho các chủ vựa tại địa phương, trong khi vai trò của hợp tác xã cũng chưa thật sự đủ mạnh, do đó vẫn chưa có tính bền vững cao. Vì vậy, cho dù dừa sáp đang có giá cao nhưng việc tìm kiếm thị trường đầu ra bền vững và việc phát triển theo quy hoạch cũng cần quan tâm.
KIM TRÀ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.