29/01/2021 16:16
Trang trại nuôi gà của ông Kim Rít Thi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh khuyến cáo: ở thời điểm thời tiết chuyển mùa, đối với gia súc, gia cầm rất dễ nhiễm bệnh; do đó, người nuôi cần nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi và thực hiện tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại đầy đủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Có thế nói, hiện nay, nguyên nhân thường xuất hiện dịch bệnh là do tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi tăng mạnh từ năm 2018 đến nay (đàn gia cầm từ 4,8 triệu con (năm 2018) tăng lên trên 8,4 triệu con trong năm 2020); trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh còn hạn chế ở nhiều nơi. Công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng thấp. Đồng thời bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc trong năm 2019 và năm 2020 gây thiệt hại cho người nuôi; mầm bệnh vẫn còn lưu tồn trong môi trường nuôi… đây là những vấn đề mà người nuôi và ngành chuyên môn rất lo lắng, ngại tái đàn.
Ông Ngô Đức Thạnh cho biết thêm, trong này, các địa phương, cán bộ Thú y cần thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến hộ chăn nuôi, khóm, ấp để phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng; đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh và khoanh vùng xử lý ngay các ổ dịch xảy ra đầu tiên, không để lây lan; hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc khử trùng nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm theo định kỳ, khai báo kịp thời khi phát hiện bệnh.
Tại huyện Cầu Kè, đối với đàn gia cầm phát triển khá mạnh, nhất là mô hình nuôi gà thả vườn và vịt đẻ kết hợp chạy đồng. Theo bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè, hàng năm, khi vào thời điểm giao mùa, nhất là thời tiết lạnh trong những ngày cuối năm thường làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, nhất là đàn gà như bệnh cúm, tụ huyết trùng. Hiện nay, đối với bệnh tụ huyết trùng (làm cho gà có triệu chứng ủ rủ, xù lông, ra phân trắng…dẫn đến gà chết hàng loạt và lây nhiễm qua phân) giảm 80-90%, nguyên nhân là việc chăn nuôi gia cầm hạn chế chăn thả, người dân nuôi theo hướng tập trung có rào chắn xung quanh và vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng… Còn trên đàn heo, việc tái đàn ở hộ nuôi nhỏ lẻ hiện nay cũng rất ít; đối với các trang trại và nông hộ nuôi quy mô lớn (chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi) thực hiện rất nghiêm ngặt công tác quản lý đàn, khu vực chăn nuôi theo hướng khép kín.
Ông Kim Rít Thi, ấp Kim Câu, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang là một trong những hộ chuyên nuôi gia cầm theo quy mô trang trại; mỗi đợt nuôi từ 1.500-2.000 con gà thịt và 2.000-2.500 con vịt đẻ. Ông chia sẻ: hiện nay, người nuôi nếu thực hiện tốt các quy trình quản lý và chăm sóc đàn tốt như tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh chuồng trại định kỳ… khả năng xảy ra bệnh khi vào thời điểm giao mùa rất thấp. Các bệnh thường gặp ở đàn gia cầm trong thời tiết lạnh như tụ huyết trùng, cúm gia cầm hiện đều có vắc xin để tiêm phòng. Lưu ý trong chăn nuôi ở thời điểm giao mùa là đối với gà cần xây dựng chuồng nuôi có độ ấm cao, tránh gió lùa nhưng phải đảm bảo thông thoáng. Còn ở đàn vịt do là thủy cầm nên chỉ chú ý đến tiêm phòng đầy đủ…đồng thời hỗ trợ khẩu phần ăn ở gia cầm tăng lượng vitamin, nếu nuôi quy mô nhỏ thì cho ăn thêm rau xanh.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.