10/12/2024 10:07
Thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần tạo môi trường kinh doanh, bình đẳng, thuận lợi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ chưa triệt để sử dụng HĐĐT, sự phát triển của TMĐT đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động TMĐT, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo tại các Công điện số 889/CĐ-TTg, ngày 01/10/2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; Công điện số 1123/CĐ-TTg, ngày 18/11/2023 về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; Công điện số 1284/CĐ-TTg, ngày 01/12/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng HĐĐT, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế; rà soát, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng chính như: dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, bán lẻ xăng dầu… đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất HĐĐT.
b) Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động TMĐT, xăng dầu, kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kiên quyết xử lý theo pháp luật những người cố tình không thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp chủ động phối hợp cơ quan công an và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là các cửa hàng vẫn còn sử dụng máy POS/máy tính bảng/điện thoại có cài đặt phần mềm để thực hiện lập HĐĐT khi bán hàng, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định về HĐĐT theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai thông tin các trường hợp vi phạm theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
d) Khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 01/2025 ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020, trong đó có các giải pháp về HĐĐT đối với hoạt động TMĐT.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan:
a) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý các giao dịch trong hoạt động TMĐT, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên sàn giao dịch TMĐT.
b) Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc quy định về HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng; Phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về HĐĐT theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.
3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan:
a) Chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện HĐĐT.
b) Tăng cường nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động TMĐT.
4. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tại địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng HĐĐT mà không thực hiện.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để khuyến khích người tiêu dùng thực hiện lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.
c) Chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về lập HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không chấp hành nghiêm quy định về HĐĐT theo từng lần bán hàng, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 05/3/2024 của Chính phủ và quy định của pháp luật. Chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện chuyển đổi số, áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng; chậm nhất trong tháng 3/2025, số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động đạt tỷ lệ 100% tổng số cửa hàng kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc.
d) Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT tại địa bàn; chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành địa phương rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
5. Giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.
6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ, được giao.
Báo Trà Vinh Online
Những năm gần đây, trên địa bàn xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như trồng màu thâm canh, trồng màu kết hợp với trồng lúa hoặc chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó nông dân Trần Văn Bảnh, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn là một trong những nông dân thành công với mô hình cấy ghép thụ phấn hoa dưa hấu không hạt.