26/01/2024 19:01
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389; Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389; Huỳnh Bích Như, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 và đại diện các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389.
Năm 2023, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 đã kiểm tra, phát hiện 913 vụ vi phạm, phát hiện nhiều hơn 219 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, kiểm tra một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: kiểm tra, ngăn chặn kịp thời 84 vụ buôn bán 3.296 bao thuốc lá điếu nhập lậu; phát hiện xử lý 23 vụ vi phạm kinh doanh lĩnh vực mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra, phát hiện xử lý 98 vụ vi pham liên quan đến mặt hàng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
Đồng chí Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương phát biểu khai mạc hội nghị.
Kiểm tra xử lý 63 trường hợp vi phạm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; 01 vụ kinh doanh xăng dầu chất lượng không phù hợp và giám sát 325 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; phát hiện 28 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Từng vụ việc đã xử lý theo thẩm quyền và nộp vào ngân sách nhà nước.
Năm 2024, dự báo tình hình vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đạt chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có diễn biến khó lường, do đó, Ban Chỉ đạo 389 thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước đến tận người tiêu dùng nhằm nâng cao đạo đức kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật.
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về tình trạng lưu thông hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác; đồng thời kiến nghị với Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục phối hợp kịp thời xử lý hành vi từng trường hợp vi phạm, có cơ chế quản lý chặt chẽ việc kinh doanh trên không gian mạng; tăng cường công tác kiểm tra hành vi hàng gian, hàng giả trong dịp tết Nguyên đán…
Đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: năm 2024, Ban Chỉ đạo và các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 cần tập trung thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bám sát địa bàn, chủ động nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, vận động quần chúng Nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đổi mới công tác truyền thông để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo.
Tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú ý đến các vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm đã phát hiện theo quy định của pháp luật, nhất là các vi phạm liên quan đến đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường. Tăng cường công tác quản lý cán bộ trong thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác.
Đối với chương trình bình ổn thị trường tết Nguyên đán, các cấp, các ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết về chương trình và chất lượng hàng hóa khi mua sắm.
Các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hàng hóa, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, kết nối cung cầu, đảm bảo cân đối hàng hóa, góp phần ổn định thị trường. Chủ động phối hợp theo triển khai theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành về liên kết tiêu thụ hàng hóa, tăng cường hỗ trợ hàng hóa trong công tác bình ổn thị trường.
Tin, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.