16/10/2020 09:38
Bài cuối:
Quyết tâm đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đó là khẳng định của ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Trà Vinh trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Du khách tham quan Cồn Chim (xã Hoà Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh) - điểm du lịch cộng đồng nói không với rác thải nhựa. Ảnh: TP
Tại Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tỉnh nhà. Chú ý các loại hình du lịch có lợi thế, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch văn hóa, lễ hội, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu và tính cạnh tranh cao. Việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để thu hút khách du lịch, đưa du lịch trở thành ngành có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh cũng được quan tâm; song song với phát triển du lịch cần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên để phát triển du lịch bền vững...
Để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ qua, Sở VH-TT-DL Trà Vinh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xây dựng và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến việc tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển. Đáng chú ý, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 75-KH/TU, ngày 08/01/2017 để tổ chức thực hiện 06 nhiệm vụ tập trung, 03 nhiệm vụ đột phá trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, có nhiệm vụ “đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, tăng cường công tác các hoạt động quảng bá, thu hút và phát triển du lịch tỉnh nhà, phấn đấu đưa ngành du lịch thật sự là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh trong những năm tới”.
Theo đó, nhìn chung trong nhiệm kỳ qua, tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội có quan tâm triển khai tuyên truyền các chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch. Từ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch được nâng lên đáng kể. Một số địa phương như thị xã Duyên Hải, huyện Tiểu Cần, Duyên Hải, Cầu Ngang đã và đang xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Việc ban hành kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng góp phần tạo động lực, làm đòn bẩy đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước hoàn thiện, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ du khách ngày càng phát triển, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến điểm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng thu hút và giữ chân khách du lịch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tiếp tục triển khai, kịp thời cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp và khách du lịch, mang hình ảnh, đất nước con người Trà Vinh đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Cùng với đó là việc định hướng 02 cột mốc phát triển cho ngành du lịch Trà Vinh đến năm 2030. Cột mốc thứ nhất, đến năm 2025 ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch biển; du lịch sinh thái miệt vườn. Trong đó việc xây dựng loại hình du lịch văn hóa gắn liền với cộng đồng Khmer được xác định là định hướng chiến lược nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia. Cột mốc thứ hai đến năm 2030, du lịch Trà Vinh cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Giai đoạn 2015 - 2020, được xem là bước đệm quan trọng cho mục tiêu trên; ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,59%/năm. Trong đó, khách du lịch tăng 26,59%, khách lưu trú tăng 26,79% và chiếm tỷ trọng đáng kể trong GRDP của tỉnh. Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn, tạo sự an tâm cho du khách, nhưng lượng khách và tổng doanh thu du lịch giảm trên 20% so với năm 2019.
Để đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ngành du lịch đóng góp khoảng 10% trong GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành VH-TT-DL đưa ra các giải pháp cơ bản: (01) Mỗi địa phương hình thành một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của từng địa phương mình. Ví dụ như: Thành phố Trà Vinh xây dựng trở thành đô thị du lịch xanh đầu tiên của cả nước; thị xã Duyên Hải phát triển du lịch sinh thái biển gắn với du lịch văn hóa tâm linh; huyện Cầu Ngang khai thác du lịch sinh thái gắn với làng nghề và các cồn nổi ven biển; huyện Châu Thành tập trung vào du lịch cộng đồng... mục tiêu đến năm 2025 hình thành 03 trung tâm du lịch lớn của tỉnh trở thành “vệ tinh du lịch quan trọng” và “điểm đến ấn tượng” của vùng đồng bằng sông Cửu Long. (02) Xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh không gian Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gắn liền với khu di tích danh thắng ao Bà Om, di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành để tạo điểm nhấn cho ngành du lịch. Đồng thời, hình thành các điểm đến “mô hình kiểu mẫu” trong việc xây dựng chuỗi giá trị du lịch gắn với thế mạnh du lịch nông nghiệp tại Cồn Chim (huyện Châu Thành) và Cồn Hô (huyện Càng Long)... (03) Tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đạt từ 04 - 05 sao trở lên tại không gian văn hóa du lịch ao Bà Om; đạt từ 03 sao trở lên tại khu du lịch biển Ba Động và khu khoáng nóng thị xã Duyên Hải; mời gọi đầu tư ít nhất 01 khách sạn từ 04 - 05 sao tại trung tâm thành phố Trà Vinh để đáp ứng các điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về Trà Vinh, nhất là các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao cấp khu vực và cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực, giải trí… (04) Tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành kinh tế du lịch cho các bên liên quan trong việc khai thác và phát triển du lịch; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới. (05) Đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào sức mạnh công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh, thành trong nước và các cơ quan báo chí để tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh. Từng bước xây dựng hệ sinh thái “du lịch thông minh”. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành, quản lý của các cấp chính quyền đối với ngành du lịch. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và giá cả, các cơ sở dịch vụ du lịch khác tạo sự an tâm, uy tín để thu hút khách du lịch. (06) Tập trung xây dựng Trà Vinh là “điểm đến an toàn” trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra. Trong đó chú trọng việc huy động việc khai thác và phát triển du lịch gắn với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo sự yên tâm và an toàn cho du khách khi đến tham quan và lưu trú tại địa phương. |
BÁ THI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.