27/05/2024 14:08
Nhìn lại thực trạng, lộ trình về xóa bỏ sản xuất gạch nung, ghi nhận sự tích cực từ chủ trương, nghị quyết của Đảng, HĐND, sự điều hành của chính quyền và sự tham gia tích cực của chủ cơ sở, người sử dụng.
Thời điểm tháng 7/2013, theo số liệu thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh có 21 cơ sở với 42 lò sản xuất gạch đất sét nung. Tập trung tại 03 huyện: Càng Long 16 cơ sở, 30 lò, toàn bộ là lò tròn đứng; Cầu Kè 04 cơ sở, 10 lò, trong đó có 09 lò tròn đứng và 01 lò liên hoàn; Châu Thành 01 cơ sở với 02 lò hoffman (lò đứng liên tục và lò vòng).
Với 42 lò, sản xuất gạch nung toàn tỉnh đạt sản lượng khoảng 30.520.000 viên/năm, giá trị sản xuất hơn 07 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), chiếm 0,17% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành vào thời điểm đó.
Với thực trạng trên, có 02 vấn đề được quan tâm: khai thác nguồn nguyên liệu đất sét để làm gạch và ô nhiễm môi trường do khói phát thải từ sản xuất gạch. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, sản xuất gạch nung theo công nghệ lò đứng, lò hoffman sẽ tiêu hao lượng than từ 180 - 220kg than và tiêu hao khối lượng đất sét từ 1,8 - 2,2m3 đất/1.000 viên gạch đạt chuẩn. Đồng thời, nếu sản xuất gạch nung theo công nghệ lò tuy-nen thì trung bình tiêu hao từ 120 - 150kg than và từ 1,2 - 1,5m3 đất/1.000 viên gạch đạt chuẩn. Do đó, nếu tính trên cùng 01 đơn vị sản phẩm thì khối lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường của các lò nung gạch kiểu thủ công, lò đứng, lò hoffman lớn hơn khoảng 1,5 lần so với nhà máy gạch tuy-nen.
Khi các lò gạch nung hoạt động, dễ dàng nhìn thấy “những cột khói đen ngòm”, cao ngút, nhả khói lên bầu trời, không khí ở đây đặc mùi gạch nung, cùng với tro trấu, bụi than… Thời điểm các lò gạch hoạt động, quần áo, vật dụng sinh hoạt của người dân dưới gió sẽ phủ dày lớp bụi; quanh khu vực lò gạch hoạt động, cây cối cằn cỗi, trụi lá, bám đầy bụi. Hàng năm, các lò gạch sử dụng hàng ngàn tấn trấu phát thải ra ngoài lượng lớn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường... nhất là khu vực cộng đồng dân cư.
Còn nhớ, trước năm 2013, bình quân mỗi năm, diện tích đất nông nghiệp bị “bạc màu” do khai thác lớp đất sét để làm nguyên liệu sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh rất lớn; nhiều nhất là một số xã của huyện Châu Thành: Song Lộc, Lương Hòa... Một số nông dân bán đất sét cho các chủ cơ sở làm gạch, làm cho nhiều vụ lúa thất mùa liên tục. Thời điểm ấy, cũng không ít nông dân bị xử lý, bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, do khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa được cho phép. Mặt khác, kéo theo hệ lụy lớn hơn, làm hủy hoại thảm thực vật, tạo các vùng trũng, ảnh hưởng đến quá trình tưới tiêu và thu hẹp diện tích đất sản xuất.
Năm 2013, người dân xã Song Lộc, huyện Châu Thành khai thác đất sét để làm gạch nung. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích lúa.
Theo ước tính, để sản xuất 01 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước đạt tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu mét khối đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra môi trường khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường và cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên hiệu ứng nhà kính, đe dọa trái đất và biến đổi khí hậu.
Từ thực tế đó, việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, tiến tới sản xuất gạch theo phương pháp hiện đại, thân thiện với môi trường là xu hướng phát triển tất yếu và cũng là vấn đề chủ lò gạch và người lao động trên địa bàn tỉnh lúc bấy giờ quan tâm. Bởi, với 42 lò gạch nung, giải quyết gần 400 lao động; do đó, từ chủ cơ sở lò gạch đến thợ lò đều băn khoăn nếu khi xóa nghề, mặc dù xác định những hạn chế, tiêu cực của lò gạch thủ công, song vẫn còn thiết tha.
Bảo vệ môi trường, trừ bỏ lò gạch nung là chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng đến Việt Nam cùng thế giới thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0”. Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung chuyển đổi công nghệ, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo với lộ trình của Chính phủ chỉ đạo. Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg “về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020”. Theo đó, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; nổi bật là ngày 09/12/2015, HĐND tỉnh khóa VIII ban hành Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND “về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung và chấm dứt hoạt động gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh”.
Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. Qua gần 10 năm thực hiện lộ trình chuyển đổi từ sản xuất gạch nung sang gạch không nung, cũng như những quy định của Thủ tướng Chính phủ, hiện Trà Vinh đã đạt và vượt tiến độ đề ra cả về vật liệu xây không nung và chấm dứt hoạt động lò gạch nung.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.