11/04/2023 08:37
Bến phà Kênh 6, nối Dân Thành, thị xã Duyên Hải đi Đông Hải, huyện Duyên Hải.
Huyện Duyên Hải có 07 đơn vị hành chính: Ngũ Lạc, Đôn Châu, Đôn Xuân, Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải và thị trấn Long Thành. Riêng “vùng đảo”, có 04 đơn vị: Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải và thị trấn Long Thành, diện tích tự nhiên khoảng 21.159ha, dân số 36.368 người. Những năm qua, có nhiều công trình trọng điểm được triển khai ở “vùng đảo”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; tuy nhiên, lĩnh vực du lịch vẫn là tiềm năng, chưa được khai thác.
Tỉnh đã định hướng “vùng đảo” là một trong những điểm phát triển năng lượng tái tạo, đây là động lực thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng nhanh và bền vững; bờ biển dài khoảng 26,5km từ xã Đông Hải đến xã Long Vĩnh, thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo.
Năm 2021, đã triển khai dự án điện gió Đông Hải 1, tổng công suất 100MW, hiện đang chuẩn bị triển khai thêm 04 dự án điện gió đã được UBND tỉnh chấp thuận: Dự án Điện gió Đông Hải 2, Đông Thành 1, Đông Thành 2, Thăng Long và một số dự án điện gió, điện mặt trời khác đang khảo sát, xin chủ trương UBND tỉnh. Hiện địa bàn “vùng đảo” có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nổi bật là Rạch Cỏ, Phước Thiện, kênh đào… có bến phà Long Vĩnh qua Cù Lao Dung (Sóc Trăng); vị trí này rất thuận lợi để kết nối tour với thị xã Duyên Hải và huyện Cù Lao Dung, tạo thành tuyến mới.
Điển hình như bãi biển Hàng Dương, dài khoảng 05km, từ sông Phước Thiện đến Kênh Tắt, thuộc xã Đông Hải. Đoạn này được trồng nhiều cây dương làm rừng phòng hộ; đây là nơi có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, homestay, cung cấp dịch vụ ăn uống, trò chơi dã ngoại. Khuyến khích các hộ dân trồng khoai lang, đậu phộng, rau, dưa hấu không dùng phân hóa học, để bán cho khách du lịch và bán dịch vụ trải nghiệm trồng - tỉa - thu hoạch.
Rừng ngập mặn ven biển ở các xã Long Vĩnh, Đông Hải và Long Khánh, trong đó rừng đước thuộc xã Long Khánh rộng 882ha, cảnh quan rừng đẹp, nơi sinh trưởng của bần, mắm, đước và cá nước lợ, có thể trở thành khu bảo tồn sinh quyển mới. Hiện có nhiều hộ dân nuôi tôm, cua quảng canh vùng ven và dưới tán rừng. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều loại động thực vật sống trong rừng đước, có thể xây dựng chương trình tour tham quan, khám phá rừng đước và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Xây dựng trang trại làm du lịch dạng homestay (dịch vụ lưu trú bên bờ vuông). Hoạt động trải nghiệm đánh bắt tôm, cua... dịch vụ ăn uống với hải sản tươi sống.
Sông Rạch Cỏ - là con sông nhỏ, dòng sông này nằm trong huyện Duyên Hải, nhưng đoạn đẹp nhất (dài khoảng 07km), nằm trên địa bàn xã Long Vĩnh, có nhiều bần và dừa nước bao quanh; đây sẽ là sản phẩm riêng biệt du khách được trải nghiệm hệ sinh thái đa dạng vùng cửa Sông Hậu và Rạch Cỏ; là nơi tổ chức tour câu cá và xây dựng các khu nghỉ dưỡng dành cho khách yêu thiên nhiên, các homestay...
Sông Phước Thiện, một con sông nhỏ, đoạn đẹp nhất (dài khoảng 04km) từ UBND xã Đông Hải ra Biển. Hai bên bờ sông là khu rừng ngập mặn, khu vực cửa sông có dự án xây dựng đậu thuyền tránh trú bão, ngoài cửa sông là cồn cát nổi và cồn nuôi nghêu. Khu vực này là nơi tạo cho du khách ngắm phong cảnh, đi xuồng nhỏ khám phá rừng ngập mặn, câu cá giải trí và xây dựng các khu nghỉ dưỡng dành cho khách yêu thiên nhiên, các homestay ở vuông tôm trong khu vực...
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Huỳnh Thị Triều, Uỷ viên Ban Thường vụ, Bí thư thị trấn Long Thành chia sẻ: huyện Duyên Hải nói riêng, người dân Trà Vinh nói chung, rất tự hào là quê hương của cố soạn giả Viễn Châu (1924 - 2016), nổi tiếng với biệt danh “Vua của các ông vua cải lương”. Ông đã để lại hơn 50 vở cải lương và 2.000 bản vọng cổ. Năm 2014, ông được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Tỉnh đang phối hợp xây dựng nhà lưu niệm về cuộc đời ông để khách viếng thăm và phát triển thành điểm du lịch văn hóa với các hoạt động biểu diễn trích đoạn ca cổ, ca cải lương.
Huyện Duyên Hải kiến nghị sớm xây dựng khu vui chơi, giải trí tại “vùng đảo” gắn kết phục vụ khách tham quan, du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch khu vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác bến tàu khách đi Côn Đảo tại xã Long Vĩnh. Đến năm 2025 thu hút 72.000 lượt khách du lịch nội địa; đóng góp 10%/tổng giá trị sản xuất của huyện; tạo 4.000 việc làm, trong đó có 1.000 việc làm trực tiếp.
|
Ngoài ra trên địa bàn “vùng đảo” còn có Nhà thờ họ đạo Cái Đôi (thị trấn Long Thành): được thành lập cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; miếu Bà Chúa Xứ và Lễ hội Nghinh Ông (xã Đông Hải) là nơi cư dân địa phương thờ Mẫu - người bảo trợ cho cuộc sống an lành và những chuyến đi biển an toàn. Lễ cúng biển Động Cao, còn gọi là Nghinh Ông (cúng cá voi) diễn ra vào ngày 20 và 21/2 âm lịch hàng năm, khởi đầu một mùa đánh cá của ngư dân địa phương… Đây là thế mạnh và điều kiện hình thành du lịch tâm linh cho người địa phương và khách du lịch về với “vùng đảo”.
Duyên Hải, huyện mới bắt đầu định hướng và khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nên cần hỗ trợ nhiều từ trên; trong đó, cần nhất là đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân làm du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nên đưa huyện Duyên Hải là một trong các huyện trọng điểm về phát triển du lịch để định hướng, mời gọi đầu tư.
Duyên Hải là một trong những huyện có “tài nguyên du lịch” đa dạng, đó là hệ sinh thái đan xen giữa nước mặn - lợ ở cửa Sông Hậu mà không nơi nào so sánh được. Duyên Hải còn là quê hương của soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu. Lại nằm cạnh thị xã Duyên Hải và Cù Lao Dung, là điều kiện thuận lợi để 03 địa phương liên kết, tạo thành tuyến tour mới, đa dạng và hấp dẫn.
Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, tin rằng du lịch huyện Duyên Hải sẽ khởi sắc, đến năm 2025 trở thành nguồn thu hàng đầu và sau năm 2030 là nguồn thu quan trọng nhất của huyện. Đồng thời, ngành du lịch sẽ giúp huyện Duyên Hải chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và trong tương lai, điểm đến Duyên Hải, bao gồm cả huyện và thị xã Duyên Hải, có thể trở thành một trong những trung tâm du lịch mạnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.