04/10/2021 13:01
Chỉ số DDCI được thực hiện trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp)... đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả nhằm đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị liên quan đến quyền lợi của DN; giúp lãnh đạo các đơn vị đề ra các giải pháp cải thiện hiệu quả, góp phần xây dựng hoàn thiện thể chế, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, năm đầu tiên tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện đánh giá chỉ số DDCI. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện đánh giá Chỉ số DDCI là một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, nhằm thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các tiêu chí trong chỉ số DDCI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ngành tỉnh; chính quyền cấp huyện, thị xã và thành phố có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư...
Ngày 19/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3505/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá chỉ số DDCI năm 2019.
Theo đó, đối với sở, ngành tỉnh, nhóm rất tốt có 02 đơn vị: Sở Công thương và Cục Thuế tỉnh Trà Vinh; nhóm tốt: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội tỉnh; nhóm khá tốt: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải và Sở Y tế; nhóm khá: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với huyện, thị xã và thành phố, nhóm rất tốt: UBND huyện Cầu Ngang và huyện Tiểu Cần; nhóm tốt: huyện Trà Cú, Duyên Hải và Châu Thành; nhóm khá tốt: Cầu Kè, thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và nhóm khá: UBND huyện Càng Long.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ này, việc triển khai thực hiện đánh giá DDCI cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố còn có liên quan đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh cải cách về quản trị kinh tế cấp tỉnh và cấp huyện, thị... Tuy nhiên, đối với tỉnh, năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện; năm 2020 bị gián đoạn, do trong 09 tháng đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên không tổ chức thuê đơn vị đánh giá.
Để củng cố và triển khai thực hiện hiệu quả trong năm 2021 (năm 2022 tổ chức đánh giá), ngày 15/9/2021, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Kế hoạch số 82/KH-UBND “về việc triển khai thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tỉnh Trà Vinh năm 2021”.
Việc thực hiện đánh giá DDCI cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố nhằm để nhà đầu tư, DN tạo động lực cạnh tranh, thi đua giữa các đơn vị; giúp lãnh đạo UBND tỉnh giám sát hiệu quả công tác cải thiện chất lượng quản lý, điều hành của Nhà nước; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi giúp DN tham gia đóng góp ý kiến nâng cao năng lực điều hành của các cơ quan Nhà nước cấp sở, ngành và huyện, thị, thành phố; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các đơn vị.
Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện Kế hoạch số 82 cần đảm bảo tính minh bạch, đầy đủ, chính xác, khách quan trong tổng hợp, phân tích, đánh giá; đảm bảo tính bảo mật cao cho đối tượng tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát là một trong những cơ sở để xem xét đánh giá chất lượng chỉ đạo, điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Thực hiện Kế hoạch số 82 dựa trên thực tiễn, cùng với những kinh nghiệm của năm 2019. Do vậy, năm 2021, đối tượng khảo sát là các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; các nhà đầu tư đang khảo sát và làm việc tại tỉnh; ưu tiên đối tượng có sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo dự kiến, sẽ thực hiện khảo sát, xin ý kiến từ 900 - 1.500 DN, nhà đầu tư, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phân bổ theo lĩnh vực hoạt động, vốn, lao động, loại hình, địa bàn hoạt động phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đảm bảo được tính đại diện mẫu.
Đối tượng được đánh giá vẫn là các sở, ngành có liên quan đến hành chính công, trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của DN: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động- binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh. Đối với các ban, ngành: Cục Thuế tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Ban quản lý Khu kinh tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố Trà Vinh.
TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.