23/03/2023 11:38
Bưởi da xanh của Hợp tác xã Hùng Hòa.
Từ năm 2019 để thực hiện chương trình này UBND huyện Tiểu Cần đã có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP như: ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp huyện; tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các xã, thị trấn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đã thu được nhiều kết quả tích cực trong Chương trình OCOP. Tính đến nay, toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP; trong đó 11 sản phẩm đạt 03 sao là sản phẩm: kẹo đậu phộng, hạt ca cao mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa, lạp xưởng 6 Be, gạo Rạch Lợp Tiểu Cần, gạo Rạch Lợp Tân Hùng, gạo Rạch Lợp Trà Vinh, rượu nếp than Thiên Phượng, bưởi da xanh Hùng Hòa, nước màu dừa Dương Phát, chả lụa 5 Nghĩa; 03 sản phẩm đạt 04 sao là sản phẩm mật hoa dừa lên men, nước uống mật hoa dừa, giấm mật hoa dừa; 02 sản phẩm được đánh giá tiềm năng 05 sao đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương đánh giá công nhận là sản phẩm: mật hoa dừa cô đặc và đường hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm.
Đáng ghi nhận, trong 16 sản phẩm OCOP của huyện có đến 07 sản phẩm của công ty TNHH Trà Vinh Fram, trong đó sản phẩm mật hoa dừa cô đặc đã có mặt trên 30 tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất chính ngạch sang các nước Hà Lan, Nhật Bản.
Thực tế cho thấy khi triển khai Chương trình OCOP tại huyện Tiểu Cần với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân trong huyện.
Ngoài ra, để nâng tầm sản phẩm OCOP, tạo thành phong trào sâu rộng, huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó, gắn kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thể hiện đặc trưng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, phát triển ngành nghề truyền thống, thiết thực góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn và XDNTM trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình cũng có những khó khăn, vướng mắc như: sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương chưa nhiều, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của số ít người dân về Chương trình chưa thực sự đầy đủ; còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có; một số cơ sở chưa chủ động đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn ở quy mô nhỏ, thiếu kiến thức về thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi; chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm…
Đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để tiếp tục thực hiện chương trình, trong thời gian tới, huyện Tiểu Cần sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân về nội dung chương trình, những gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất tiêu biểu các sản phẩm đặt trưng và sản phẩm OCOP của huyện;
Tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt; xây dựng địa điểm trưng bày sản phẩm OCOP cấp huyện; tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm. Tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, giúp tăng thu nhập, phát triển đời sống của người sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tiểu Cần”.
Bài, ảnh: NHƯ THỦY
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.