18/09/2023 05:37
Ông Lê Văn Ninh ở ấp Trẹm chăm sóc vườn dừa hữu cơ của gia đình.
Toàn huyện Tiểu Cần có tổng diện tích vườn dừa khoảng 5.800ha, trong đó diện tích vườn dừa tập trung khoảng 5.300 ha, còn lại dừa được trồng phân tán, với sản lượng trung bình 90.720 tấn trái/năm. Các địa phương có diện tích dừa nhiều như: xã Tân Hòa, Hùng Hòa, Tập Ngãi, Tân Hùng, Ngãi Hùng.
Trước đây dừa thường được trồng theo kiểu truyền thống và ít được chăm sóc. Thời gian sau này dừa khô có giá, có thời điểm mỗi chục dừa khô (12 trái) có giá hơn 100.000 đồng. Khi đó cây dừa được nông dân chăm sóc tốt hơn và sử dụng nhiều loại phân thuốc hóa học để tăng năng suất cho cây dừa. Với việc sử dụng phân thuốc hóa học, tuy năng suất có tăng trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của dừa trái, khó xuất khẩu sang những thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng, đồng thời làm ảnh hưởng đến môi trường.
Để thay đổi tập quán trồng dừa theo kiểu truyền thống và nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân, từ năm 2017 đến nay huyện Tiểu Cần đã triển khai mô hình trồng dừa theo hướng hữu cơ. Mô hình được triển khai đầu tiên ở xã Tân Hòa.
Theo ông Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết, đến nay diện tích dừa hữu cơ của huyện có khoảng 1.700ha. Trong đó xã Tân Hòa có khoảng 560ha của trên 486 hộ, Tập Ngãi trên 300ha, Ngãi Hùng trên 220ha, còn lại là Tân Hùng và Hùng Hòa.
Còn theo đồng chí Võ Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cây dừa là một trong những thế mạnh ở địa phương, hơn 05 năm qua Tân Hòa đã vận động người dân trên địa bàn thực hiện mô hình trồng dừa hữu cơ. Ban đầu có 212 hộ tham gia mô hình này trên diện tích 220ha. Qua thời gian thực hiện, giá bán dừa hữu cơ cao hơn dừa thường từ 03 -05%. Phần lớn dừa khô từ diện tích dừa hữu cơ, hợp tác xã Tân Thành của xã Tân Hòa đều thu mua, ngay cả khi giá dừa ngoài thị trường xuống rất thấp. Từ năm 2023 xã phối hợp với Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) tiếp tục vận động người dân mở rộng vườn dừa hữu cơ với số lượng hộ và diện tích hơn gấp hai lần.
Ông Lê Văn Ninh và ông Lâm Văn Ngô, ấp Trẹm xã Tân Hòa chia sẻ: trước đây vườn tôi chuyên trồng mía, nhưng giá mía thị trường bấp bênh nên tôi bỏ mía chuyển sang trồng dừa khoảng 10 năm nay. Từ khi Nhà nước phát động trồng dừa hữu cơ tôi đăng ký trồng 04ha. Trồng dừa hữu cơ có cái lợi là được Nhà nước đầu tư kỹ thuật; bên cạnh giá thị trường của dừa hữu cơ được hợp tác xã thu mua ổn định. Đặc biệt khi giá dừa xuống thấp thì dừa hữu cơ hợp tác xã cũng thu mua...
Cùng ngụ ấp Trẹm xã Tân Hòa ông Lâm Văn Ngô cho biết thêm, thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, địa phương vận động thành lập hợp tác xã, theo đó xã đã thực hiện mô hình dừa hữu cơ. Tôi là đảng viên ở địa phương nên phải đi đầu để mọi người dân nhìn thấy hiệu quả của mô hình này và cùng thực hiện. Qua thực hiện mô hình trồng dừa hữu cơ hơn 04 năm nay dừa phát triển tốt, cho trái có độ bền cao, chi phí thấp hơn dùng phân hóa học. Năng suất dừa rất đạt, có thể vượt trội hơn đối với dừa sử dụng phân hóa học. Ngoài ra hợp tác xã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) thu mua giá bao tiêu dừa hữu cơ lúc nào cũng cao hơn giá dừa thường nên mình bán cho hợp tác xã giá rất có lợi và ổn định.
Nói về quá trình triển khai thực hiện mô hình dừa hữu cơ trên địa bàn xã, đồng chí Võ Thanh Triều cho biết, để thực hiện mô hình này xã đã triển khai trong cán bộ, đảng viên trước để làm gương cho người dân học hỏi theo. Quá trình vận động cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên xã có thành lập ban vận động để trực tiếp cầm tay chỉ việc hướng dẫn người dân sản xuất dừa hữu cơ như không sử dụng phân, thuốc hóa học, xử lý dịch hại trên cây dừa cũng bằng biện pháp hữu cơ bằng cách thả ong ký sinh, phun các chế phẩm được sản xuất từ hữu cơ.
Còn đối với việc bón phân cho cây dừa hữu cơ, hợp tác xã Tân Thành cũng có liên kết với Công ty Sao Vàng ở Cần Thơ, chuyên cung cấp phân bón hữu cơ cho người dân với giá cả rất phải chăng. Nhìn chung giá thành sản xuất dừa hữu cơ chiếm từ 10 -15%/tổng doanh thu của vườn dừa, thấp hơn nhiều so với việc sản xuất dừa thường và vừa không áp dụng hình thức hữu cơ. Nhìn chung đến thời điểm này, trên địa bàn xã Tân Hòa vườn dừa hữu cơ phát triển rất ổn định và mang lại thu nhập cao cho người trồng dừa.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tiểu Cần, hiện nay huyện đã xây dựng được vùng nguyên liệu dừa hữu cơ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic. Hiện địa phương đã và đang chú trọng việc mở rộng diện tích dừa hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường và mang lại lợi ích cho người nông dân.
Đồng chí Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết, với diện tích này thì cây dừa hữu cơ đang có chiều hướng phát triển. Hiện nay người dân cũng nhận thức được giá trị của dừa hữu cơ. Đặc biệt nhờ có sự liên kết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và của huyện nên trong những lúc thị trường dừa có giá rất thấp thì dừa hữu cơ vẫn tiêu thụ được, chính vì chỗ đó mà diện tích dừa hữu cơ đang gia tăng.
Hướng tới Phòng cũng kết hợp với Công ty dừa hữu cơ Betrimex tiếp tục khảo sát các xã còn lại để nhân rộng các diện tích dừa hữu cơ lên nhằm đảm bảo cho chuỗi liên kết không bị đứt gẫy. Phòng Nông nghiệp đã liên kết với Công ty phân bón Sao Vàng - Mê Kông Cần Thơ cung cấp phân bón, đồng thời hướng dẫn bà con về kỹ thuật canh tác dừa để sản xuất theo hướng hữu cơ, đặc biệt không sử dụng thuốc hóa học, không bón phân vô cơ, không phun thuốc cỏ trong vườn dừa, phải phun thuốc cỏ sinh học để đảm bảo dừa trái không còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tin rằng với định hướng chỉ đạo của huyện và sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp, mô hình dừa hữu cơ trên địa bàn huyện sẽ còn tiếp tục được mở rộng thêm với nhiều hộ trồng dừa tham gia và thương hiệu dừa hữu cơ của huyện Tiểu Cần sẽ được thị trường đón nhận.
Bài, ảnh: KHẮC PHÚ, CHÍ HẸN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.