03/10/2022 14:28
Những gia đình có người thân lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá nên đã tư vấn cho anh em họ hàng cùng đi. Có người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi lần 2, lần 3 với mong muốn có thêm vốn lập nghiệp.
Từ số tiền tiết kiệm của chồng đi XKLĐ tại Hàn Quốc, chị Thạch Thị Cha Rách đã tự xây cho mình và mẹ căn nhà khang trang.
Cụ thể như gia đình anh Các Trường Sơn và chị Thạch Thị Cha Rách ở ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử. Anh Sơn là một trong những người đầu tiên của xã Hiếu Tử đi XKLĐ. Sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động trở về nước anh đăng ký đi lần 2, lần 3, đến nay anh đã có gần 10 năm lao động tại Hàn Quốc. Từ số tiền anh tích góp không chỉ chăm lo cuộc sống cho gia đình nhỏ của anh, anh còn xây cho mẹ căn nhà trị giá 250 triệu đồng và hỗ trợ em gái út đi XKLĐ tại Nhật Bản.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng gần 120m2 được xây bằng tiền tiết kiệm do chồng đi XKLĐ ở Hàn Quốc gửi về, chị Thạch Thị Cha Rách cho biết: trước đây khi hai vợ chồng ra ở riêng trong ngôi nhà lá tạm bợ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn vì công việc làm thuê không ổn định. Qua thông tin báo, đài về XKLĐ, với mong muốn có được việc làm tốt hơn, cải thiện cuộc sống gia đình, năm 2010 chị đã động viên chồng tham gia XKLĐ làm nghề sản xuất ống nhựa tại Hàn Quốc. Nhờ công việc phù hợp, lại chịu khó lao động nên mỗi tháng trừ các khoản chi phí cá nhân, chồng chị gửi về cho gia đình gần 15 triệu đồng. Với nguồn vốn dành dụm từ XKLĐ của chồng, chị đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4, khang trang trị giá gần 350 triệu đồng và mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu cho gia đình.
Gia đình chị Thạch Thị Sa Ly có 02 người con, con gái lớn sau khi học hết lớp 10 ở nhà phụ giúp gia đình, đến khi đủ 18 tuổi cháu đăng ký đi lao động tại Nhật Bản 03 năm. Chị Sa Ly chia sẻ: do không có trình độ chuyên môn khó tìm được việc làm tốt và thấy trong ấp có nhiều con em đi XKLĐ ở Nhật Bản được Nhà nước hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp nên đầu năm 2020 gia đình tôi quyết định vay 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho con đi lao động nước ngoài. Sau khi qua Nhật Bản làm việc vài tháng con tôi dành dụm gửi về mỗi tháng 20 triệu đồng, tôi đã hoàn trả được số vốn vay, phần còn lại tôi đầu tư 250 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi 05 con bò cái sinh sản.
Còn gia đình ông Lâm Minh Viên ngụ cùng ấp có 03 người con trai tất cả điều đi XKLĐ tại Nhật Bản, ông chia sẻ: ở nông thôn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất lúa và chăn nuôi nhưng những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả các mặt hàng của nông dân làm ra giảm mạnh gia đình không có điều kiện cho con học cao hơn. Với suy nghĩ ở đâu cũng phải lao động mà lao động ở nước ngoài ngoại tệ sẽ cao hơn nên ông quyết định cho cả 03 người con đi ra nước ngoài làm việc với mong muốn sau khi kết thúc hợp đồng 03 người con của ông quay trở về với số vốn kha khá trong tay để gây dựng sự nghiệp trong tương lai.
Từ những trường hợp cụ thể như thế người dân nơi đây họ tin tưởng vào công tác XKLĐ ở địa phương và an tâm cho con em mình đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó số lượng người lao động xuất khẩu trên địa bàn ngày càng tăng.
Ông Thạch Rết, Bí thư Chi bộ ấp Ô Trao cho biết: những năm gần đây XKLĐ rất được người dân quan tâm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chương trình này cũng bị ảnh hưởng. Từ khi dịch bệnh được kiểm soát chương trình XKLĐ được tái khởi động lại. Từ đầu năm 2022 đến nay ấp Ô Trao có 14 người đăng ký đi lao động tại Nhật Bản, trong đó có 07 người đã xuất cảnh, 07 người còn lại cũng đã có lịch xuất cảnh vào những tháng cuối năm 2022.
Tính từ đầu năm đến nay xã Hiếu Tử có hơn 22 người XKLĐ tại Nhật Bản, vượt 169% chỉ tiêu, với nguồn thu nhập 20 - 35 triệu đồng/người/tháng. Ông Lâm Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hiếu Tử cho biết: XKLĐ đang được xem là mũi nhọn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần giúp địa phương nâng cao các tiêu chí XDNTM kiểu mẫu. Hiện nay xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ về mọi mặt để người dân có nhiều cơ hội đi XKLĐ ở những thị trường ổn định, có nguồn thu nhập cao. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ vốn vay cho người tham gia XKLĐ với lãi suất ưu đãi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục cần thiết để người lao động thuận lợi trong việc xuất cảnh làm việc tại nước ngoài.
XKLĐ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, những năm qua, huyện Tiểu Cần đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ, thường xuyên phối hợp với những công ty tuyển lao động đi XKLĐ và các đơn vị tư vấn XKLĐ về địa phương để họ tiếp xúc tư vấn trực tiếp với người lao động. Qua đó người lao động sẽ được thông báo về thị trường lao động, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, tiền lương, chế độ làm việc cùng quyền lợi của người lao động, chi phí xuất cảnh,… từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân. Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiểu Cần, từ đầu năm đến nay huyện Tiểu Cần có trên 170 lượt người đi XKLĐ tại Nhật Bản và Đài Loan, vượt 131,5% chỉ tiêu.
Nhìn chung công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là đối với lao động ở nông thôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, làm những việc đơn giản với mong muốn có việc làm ổn định, cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo thì việc XKLĐ là một giải pháp hữu hiệu.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH
Sáng ngày 02/4, Dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Trà Vinh (CSAT) phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Hiệp Chí (đơn vị tư vấn) tổ chức hội thảo tham vấn Kế hoạch hành động chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh (VCAP) trong khuôn khổ Dự án CSAT Trà Vinh.