30/07/2021 16:35
Ông Nguyễn Văn Diệp (trái), Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần giới thiệu với đoàn công tác của Trung ương về ứng dụng công nghệ tưới tự động trên cánh đồng lớn xã Phú Cần (tháng 12/2018).
Trên cơ sở Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy Trà Vinh về chiến lược “tam nông”, huyện Tiểu Cần đã cụ thể hóa các văn bản thành chương trình hành động phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cùng thực hiện. Qua đó, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chuyển biến tích cực.
Đến nay, huyện đã phát triển và duy trì 08 điểm mô hình cánh đồng lớn; hình thành 06 điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và 154 mô hình sản xuất lúa thông minh, ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, trồng rau an toàn, trồng bắp, trồng đậu phộng trên đất giồng cát, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng dừa hữu cơ, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm. Bên cạnh đó, người dân còn chuyển đổi hơn 1.937ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 1,5 - 02 lần so với trồng lúa.
Trong quá trình sản xuất có hơn 70% diện tích được bà con sử dụng giống lúa chất lượng cao, tăng hơn 65% so với năm 2008; gần 85% diện tích sử dụng giống xác nhận; 100% khâu làm đất, bơm tát nước, thu hoạch lúa, 50 - 60% khâu gieo sạ, phun thuốc được cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ hao hụt còn dưới 10%. Đặc biệt, nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu gom phụ phẩm của cây lúa (rơm) cũng làm tăng thu nhập cho người dân từ 1,6 - 02 triệu/ha. Hiện tại, giá trị sản xuất bình quân 01ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt khoảng 100 triệu đồng; trong đó lợi nhuận bình quân 44 triệu đồng/năm. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, huyện còn vận động thành lập được 12 hợp tác xã nông nghiệp với 1.856 thành viên tham gia góp vốn điều lệ hơn 8,13 tỷ và 134 tổ hợp tác sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, với tổng số 3.701 thành viên tham gia.
Đối với lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, 12 năm qua huyện Tiểu Cần đã huy động được nhiều nguồn lực từ Trung ương, ngân sách địa phương, vốn lồng ghép, các chương trình dự án, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và Nhân dân được hơn 3.334 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này, đã xây dựng 08 tuyến đường liên xã, 47 tuyến đường liên ấp, 53 tuyến đường ngõ xóm, 22 tuyến đường trục chính nội đồng, nạo vét 160 tuyến kênh cấp II và 1.201 tuyến kênh cấp III, nâng cấp các tuyến bờ bao chống sạt lở, ngăn triều cường, xây dựng 03 trạm bơm phục vụ sản xuất... Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có 09 xã đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông với tổng số 21 tuyến đường liên xã đạt chuẩn, 53 tuyến đường liên ấp, 280 tuyến đường ngõ xóm, 42 tuyến đường trục chính nội đồng, tổng chiều dài hơn 576km và 12 tuyến kênh cấp 1 cùng 643 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 có tổng chiều dài hơn 841km. Các công trình này đã giúp cho 09 xã trên địa bàn huyện cơ bản đạt các tiêu chí giao thông, thủy lợi trong XDNTM và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Tiểu Cần đến nay có 08 công trình chợ nông thôn được xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa của người dân nông thôn. 69/69 ấp có hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đảm bảo theo quy định; 100% xã có bưu điện văn hóa hoạt động đảm bảo cung cấp 02 gói dịch vụ bưu chính và viễn thông, có đường truyền internet phục vụ nhu cầu truy cập thông tin của Nhân dân. 100% ấp, khóm văn hóa đều được kiểm tra tái công nhận, 09/09 xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới (NTM), thị trấn Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan cũng đạt chuẩn đô thị văn minh.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ; toàn huyện hiện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 34/36 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo tiêu chí NTM. Huyện Tiểu Cần cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 05 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3…
Đối với công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được quan tâm; kể cả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại; đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, nhất là về cơ sở. 100% trạm y tế xã có y, bác sĩ phục vụ công tác khám, chữa bệnh, 100% ấp có cán bộ y tế được đào tạo qua chương trình y tế cộng đồng. Số người tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đều tăng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 05 tuổi giảm từ 15,18% năm 2008 xuống còn 3,68% năm 2020. Tỷ lệ tăng dân số của huyện từ 1,34% năm 2008 giảm còn 1,1% năm 2020.
Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và các chương trình dự án; 12 năm qua huyện đã xây dựng 2.782 căn nhà ở cho gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần nâng tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng lên 88,67%, tương ứng 22.461 hộ, không còn nhà ở tạm bợ, dột nát. Ngoài ra, huyện còn đầu tư 62 dự án đào tạo nghề cho 3.381 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 74%; giới thiệu giải quyết việc làm cho trên 35.430 lượt lao động trong và ngoài nước; trong đó có 597 lao động hợp tác làm việc ngoài nước. Riêng các ngành, đoàn thể trong huyện còn tạo điều kiện cho 32.340 lượt hộ được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 8.487 tỷ đồng; năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm đến 19,47% thì đến cuối năm 2020 giảm còn còn 0,96%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 20,7 triệu đồng (năm 2010) tăng lên 57,44 triệu đồng (năm 2020).
Đến nay toàn huyện 24.210 hộ đạt chuẩn hộ gia đình văn hóa - NTM, chiếm 95,57% tổng số hộ; 69/69 ấp đạt chuẩn NTM; 09/09 đạt chuẩn xã NTM, 3/9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Tiểu Cần cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 2018. Hiện nay Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân huyện Tiểu Cần đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực, dồn sức xây dựng huyện Tiểu Cần trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy đã đề ra.
Bài, ảnh: THANH QUANG
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.