15/07/2024 14:46
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần phát biểu tại buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh về vấn đề có liên quan đến công tác phát triển đô thị được tổ chức vào ngày 25/6/2024. Ảnh: CHÍ HẸN
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiểu Cần cho biết: qua 05 năm triển khai xây dựng huyện NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiểu Cần đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, điều hành linh hoạt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác nâng chất các tiêu chí huyện NTM, xây dựng huyện NTM nâng cao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Tổng giá trị sản xuất năm 2023 huyện Tiểu Cần đạt trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,59%/năm. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 76,61 triệu đồng/năm (tăng 34,51 triệu đồng so với năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 1,98%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%, tăng 5,08% so với năm 2018. Huyện có 04/04 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 100%).
Thực hiện phong trào thi đua “Tiểu Cần cùng cả nước chung sức XDNTM”, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là lực lượng tiên phong với nhiều phong trào, cuộc vận động sôi nổi và từng bước đi vào chiều sâu đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2019 đến nay, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân trong xây dựng nâng chất tiêu chí NTM, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa 177 công trình, tổng nguồn vốn gần 804 tỷ đồng.
Cụ thể, đường trục xã, liên xã 22 công trình, tổng mức đầu tư khoảng 407,7 tỷ đồng; đường trục ấp, liên ấp 98 công trình, tổng nguồn vốn 308,62 tỷ đồng; 29 công trình đường trục chính nội đồng với tổng nguồn vốn 51,23 tỷ đồng; 28 công trình đường ngõ xóm với nguồn vốn 36,34 tỷ đồng. Cùng với 27 công trình chiếu sáng, cây xanh được đầu tư 62,79 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Thanh, ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi cho biết: cùng góp phần xây dựng xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao gia đình tôi đã tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng 02 tuyến đường nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng...
Những năm qua, triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển… góp phần XDNTM hiệu quả và bền vững. Từ năm 2019, Chương trình OCOP của huyện đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tích cực tham gia. Đến nay, trên địa bàn huyện có 22 sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm 3 sao, 05 sản phẩm 4 sao, 02 sản phẩm 5 sao và 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Riêng sản phẩm Mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã có mặt trên 30 tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất chính ngạch sang các nước: Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ.
Nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, UBND huyện ban hành Quyết định số 4129/QĐ-UBND, ngày 20/12/2019 về việc ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Tiểu Cần giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, huyện có một điểm du lịch cộng đồng Sokfarm tại ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần và điểm du lịch Le Ngan Homestay, ấp Lê Văn Quới, xã Tập Ngãi. Đồng thời kết nối các điểm du lịch tâm linh như chùa Ấp Sáu (xã Tân Hùng) và Du lịch sông nước tại xã Tân Hòa, thị trấn Cầu Quan; Công ty chuyên tour du lịch lữ hành WORLD TRAVEL AND TUOR tại Khóm 6, thị trấn Tiểu Cần. Các hình ảnh về du lịch được triển khai và quảng bá trên mạng xã hội và đặc biệt là trên trang thông tin điện tử của huyện Tiểu Cần. Huyện đã xây dựng website du lịch (dulichtieucan.vn) để giới thiệu và quảng bá các điểm du lịch cũng như các sản phẩm đặc sản của địa phương đến với du khách trong và ngoài huyện.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn chú trọng phát triển, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, huyện có 69/69 ấp đạt chuẩn NTM, đạt 100% (09 ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu); có 24.570/25.231 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa - NTM, đạt 97,38%.
Công nhân Công ty TNHH Trà Vinh Farm, ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đang hoàn tất công đoạn dán nhãn sản phẩm.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Tiểu Cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao gắn với xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh năm 2025 theo Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tương xứng vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội khu vực phía Tây của tỉnh. Xây dựng đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng đô thị theo hướng hiện đại hóa; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh năm 2025. Trong đó, có 02 thị trấn và 04 xã thành lập phường (Hiếu Tử, Phú Cần, Long Thới, Tân Hùng), 05 xã còn lại tiếp tục triển khai thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất cho người dân. Tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị đáp ứng quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà huyện có tiềm năng, lợi thế, có nguồn nguyên liệu và sử dụng lao động tại chỗ. Đẩy nhanh tiến độ dự án Cụm Công nghiệp Phú Cần, triển khai đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Cầu Quan; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế đêm trên địa bàn huyện, Đề án phát triển du lịch gắn với tham quan giá trị về văn hóa tâm linh với phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer…
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.