09/03/2021 18:09
Một thửa ruộng của người dân ở ấp Chông Nô III, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè khô nứt do không có nước (ảnh chụp lúc 11 giờ 30 ngày 02/3/2021).
Để ứng phó tốt trong sản xuất trước mùa khô hạn, các địa phương đã khẩn trương tổ chức vớt vật cản như lục bình, cỏ… trên các tuyến kênh, rạch để khai thông dòng chảy; tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn nước, chủ động gia cố các tuyến bờ bao để giữ nước; đẩy nhanh tiến độ thủy lợi nội đồng ở các địa phương. Người dân khẩn trương bơm nước vào ruộng lúa ngay khi có nước ngọt, đồng thời có biện pháp tích trữ, tưới tiết kiệm, tránh hao hụt nguồn nước; vận động người dân tuyệt đối không được tiếp tục xuống giống hoặc gieo cấy để tránh thiệt hại…
Bà Thạch Thị Mai, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang cho biết: gia đình có 0,6ha đất trồng lúa, mặc dù được địa phương khuyến cáo không xuống giống vụ đông - xuân, nhưng do thấy ruộng xung quanh ai cũng xuống giống; nếu ruộng của gia đình không sản xuất sẽ lãng phí và cỏ dại mọc. Hiện lúa hơn 30 ngày tuổi, trong giai đoạn đẻ nhánh, nhưng nguồn nước bơm tát rất khó.
Trước thực trạng trên, qua trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, cho biết: vụ lúa đông - xuân năm 2020-2021, nông dân trong huyện xuống giống được 2.900ha (giảm hơn 50% diện tích so với cùng kỳ vụ lúa năm 2019-2020). Tuy nhiên, trong này có khoảng 500 - 600ha có nguy cơ thiếu nước khi vào cao điểm, nếu các cống đầu mối đóng ngăn mặn; tập trung rải rác ở các địa bàn như Hiệp Hòa, Trường Thọ, Nhị Trường, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn... Mặc dù ý thức của nông dân được nâng lên về hệ quả sản xuất trong điều kiện khô hạn, thiếu nước như hiện nay; nhưng một số hộ do tiếc đất khi bỏ trống đã “vượt rào” xuống giống dù điều kiện nguồn nước khó khăn, xa kênh trục.
Tình hình mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Độ mặn tại các sông chính vượt ngưỡng cho phép lấy nước vào. Số liệu quan trắc ngày 01/3/2021, phía sông Cổ Chiên tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) là 4,4‰, tại vàm Trà Vinh là 9,2‰, vàm Láng Thé 8,8‰; vàm Đức Mỹ 5,8‰. Phía Sông Hậu tại vàm Cầu Quan là 11,6‰, vàm Bông Bót là 1,82‰, vàm Tân Dinh là 1,77‰. Vụ lúa đông - xuân 2020- 2021, xuống giống 58.159,6ha, vượt 15,5% so kế hoạch. Trong đó, diện tích xuống giống đúng lịch khuyến cáo 38.983,9ha; diện tích xuống giống sau lịch khuyến cáo 13.709ha; diện tích xuống giống ngoài kế hoạch 5.465,9ha. |
Cùng với đó, một số huyện đầu nguồn tiếp giáp Sông Hậu như Cầu Kè và Càng Long, tình hình mặn xâm nhập sâu vào Sông Hậu, hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh đã đóng, việc tiếp ngọt gặp khó; gây ra khô hạn cục bộ tại một số xã. Theo ông Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè: trong những ngày cuối tháng 02 và đầu tháng 3/2021, tình hình lấy nước vào tại các cống trên địa bàn rất khó, do mặn xuất hiện, diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện gặp khó khi lấy nước bơm tưới cho cây; mực nước ở các kênh nội đồng và kênh cấp II xuống thấp.
Nhà vườn Cao Văn Công, ấp Vàm Đình, xã Ninh Thới cho biết: hiện nay, nhu cầu nước tưới cho vườn rất lớn, do phần lớn cây ăn trái (chủ yếu cây bưởi) sau khi thu hoạch, nhà vườn bón phân và bồi gốc… hiện nước mặn lên cao, nhà vườn không dám bơm tưới cho cây. Riêng lượng nước trữ trong các ao ở xung quanh nhà đã cạn kiệt; nhà vườn chỉ chờ độ mặn giảm mới dám lấy nước từ ngoài Sông Hậu vào. Dự kiến nguồn nước ngọt bơm tưới cho cây sẽ khan hiếm và khó khăn như mùa khô năm 2015-2016. Nhà vườn cũng đã kinh nghiệm trong việc lấy nước vào vườn và theo dõi diễn biến độ mặn rất chặt.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.