25/08/2020 11:47
Ao tôm của gia đình anh Kiên Văn Quy được chuyển đổi từ đất mía sang.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, niên vụ mía năm 2017-2018 diện tích xuống giống đạt 4.322ha; tuy nhiên đến cuối tháng 6/2020, diện tích mía chỉ còn khoảng 1.500ha (giảm khoảng 2.822ha). Trong này, có hơn 90% diện tích mía được chuyển đổi sang các cây trồng khác và nuôi thủy sản; một số diện tích còn lại bỏ trống, không sản xuất do người dân thiếu vốn và không nằm trong vùng thuận lợi về điều kiện thủy lợi, giao thông…
Tính đột phá trong chuyển đổi đất trồng mía ở Trà Cú, có thể nói là phong trào nuôi thủy sản được nông dân chuyển đổi lựa chọn tập trung nhiều nhất. Với trên 1.000ha đất trồng mía được chuyển đổi sang nuôi cá, tôm tại các xã Hàm Tân, Kim Sơn, Đại An, Định An. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phần lớn tự phát nên kết cấu về hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư, đặc biệt là điện và giao thông, thủy lợi.
Trao đổi với chúng tôi ông Nhan RaNi, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: để tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi đất trồng mía sang nuôi thủy sản; hiện huyện đang xây dựng đầu tư vùng chuyển sang nuôi thủy sản từ đất mía, khoảng 1.900ha (chủ yếu nằm trên trục Tỉnh lộ 915, ven vàm Trà Cú), để đầu tư hạ tầng (điện, giao thông, thủy lợi…) nhu cầu nguồn vốn cho khu vực này khoảng 150 tỷ đồng. Trước mắt, huyện được tỉnh cho chủ trương hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng để triển khai đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản ở xã Kim Sơn (giai đoạn 2020-2021). Nếu đảm bảo đủ nguồn vốn, đúng tiến độ trong triển khai sẽ tác động tích cực cho khu vực nuôi thủy sản xã Kim Sơn phát triển, nâng cao tỷ trọng giá trị sản phẩm nuôi theo hướng tập trung và bền vững.
Ghi nhận qua chuyển đổi sản xuất ở xã Kim Sơn, đến nay, có thể thấy đời sống của người dân nơi đây đổi thay rất lớn. Được biết, đây là xã có diện tích đất trồng mía khá lớn, trên 1.300ha (năm 2015) và qua chuyển đổi, đến tháng 7/2020 giảm còn 400ha; bình quân giá trị đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi đạt 165 triệu đồng/ha/năm (trong khi đó người trồng mía trong 02 năm 2018 và 2019 đều lỗ từ 15-20 triệu đồng/ha/niên vụ).
Ông Tô Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết: là xã có trên 98% đồng bào Khmer, có thế mạnh về sản xuất cây mía trước đây. Nay không còn hiệu quả nữa, từ đó đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giai đoạn 2020-2025, xã định hướng chuyển đổi sản xuất, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; trong này tập trung một phần đất mía chuyển qua.
Theo đó, xã Kim Sơn sẽ duy trì, ổn định 2.550ha lúa, trong này sản xuất 02 vụ lúa (1.750ha) ở các ấp Bãi Xào Giữa, Bãi Xào Chót, Bãi Xào Dơi A, Trà Cú B; 01 vụ lúa + 01 vụ màu (100ha) ở các ấp Thanh Xuyên, Trà Cú B; 01 lúa + 01 thủy sản (diện tích 700ha) ở các ấp Bãi Xào Chót, Bãi Xào Giữa, Bãi Xào Dơi A; 630ha màu và 1.537ha nuôi thủy sản chuyên canh (cá lóc, cá sặc rằn, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…) dọc theo vàm Trà Cú, kênh Tổng Long tại các ấp Thanh Xuyên, Trà Cú B, Bãi Xào Dơi B và 01 phần Bãi Xào Giữa, Xoài Rùm. Triển khai nguồn vốn 20 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cho khu vực nuôi tôm ở Bãi Xào Giữa - Bãi Xào Dơi -Trà Cú B. Nếu hạ tầng được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho các hộ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào Khmer.
Nông dân Kiên Văn Quy, ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn cho biết: gia đình có 0,4ha đất trồng mía, nhưng nhiều năm sản xuất bị lỗ. Năm 2019 chuyển sang trồng lúa, do nền đất bị nhiễm mặn và xung quanh khu vực chưa có đê bao ngăn mặn nên năng suất đạt rất thấp (2,5 tấn/ha). Vì vậy, năm 2020, gia đình đã đầu tư đào 04 ao nuôi gần 100.000 con tôm thẻ chân trắng.
Hiện nay, khu vực này chưa được quy hoạch nên các hộ nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn về điện và giao thông khi chuyển đất trồng mía sang nuôi thủy sản. Người dân mong muốn sớm có sự đầu tư cho các vùng trồng mía để chuyển đổi sang nuôi thủy sản, các cây trồng, vật nuôi khác để phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.