03/08/2020 08:01
Nông thôn xã Long Hiệp, huyện Trà Cú có nhiều thay đổi tích cực trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào Khmer chiếm khoảng 62% dân số, nhiệm kỳ qua, các địa phương trong huyện Trà Cú đã tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tích cực. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, chỉ đạo phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: bưởi da xanh, thanh long, cam... các địa phương tiếp tục xây dựng 287 điểm mô hình sản xuất, kịp thời nhân rộng các mô hình nổi bật như: nuôi lươn thương phẩm (lợi nhuận thu gấp 03 lần vốn đầu tư), lúa - tôm (lợi nhuận trung bình 70 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường), lúa hữu cơ (lợi nhuận trung bình 44,9 triệu đồng/ha, tăng 22,5 triệu đồng/ha).
Thực hiện xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm chủ lực và phát triển mỗi xã, thị trấn một sản phẩm đạt chuẩn như: khô cá lóc, khô cá sặc rằn (thị trấn Định An); cốm dẹp, ớt chỉ thiên, đậu phộng (Ngọc Biên); lúa giống (Tân Sơn), môn sáp (Đại An), tôm thẻ chân trắng (Hàm Tân, Định An), bò thịt (Ngãi Xuyên, Tân Hiệp), bắp giống (Long Hiệp, Hàm Giang), bột nưa, cây có múi (An Quảng Hữu), sản phẩm đan đát, thủ công mỹ nghệ (Đại An, Hàm Giang, Hàm Tân)…
Trong nhiệm kỳ, huyện chỉ đạo chuyển đổi 7.418ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng hệ số sử dụng đất lên 2,5 lần, nâng giá trị sản xuất bình quân trên đất nông nghiệp lên 120 triệu đồng/ha/năm (đạt 120% Nghị quyết); tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đạt 85%; đặc biệt, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy, hải sản năm 2019 đạt 51.114 tấn (đạt 159,7% Nghị quyết).
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: Toàn huyện có hơn 14.000ha đất trồng lúa, khoảng 6.080ha đất trồng màu và trên 1.100ha đất nuôi thủy sản. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, sự kết hợp của các ngành, địa phương đã tạo điều kiện để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao được triển khai xây dựng và nhân rộng, các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (đậu phộng, ớt chỉ thiên, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, khoai môn, bí đỏ…), góp phần thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp lên 3,8% so đầu nhiệm kỳ.
Bên cạnh, lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển thành thế mạnh của huyện, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thủy sản tăng bình quân 9,7%/năm. Xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, tôm sú, tôm thẻ chân trắng... góp phần nâng cao giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp của huyện.
Bà Quách Thị Út, ấp Phố, xã An Quảng Hữu, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn của xã, tiêu biểu trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn, mang lại thu nhập ổn định không chỉ cho gia đình mà cả những thành viên tham gia tổ hợp tác. Bà Út cho biết: Tổ hợp tác thành lập khoảng 10 năm, hoạt động của Tổ ngày càng tốt hơn, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá. Đặc biệt, 05 năm gần đây, được các cấp, các ngành quan tâm sâu sát nên hoạt động trồng rau màu của Tổ dần mang lại hiệu quả thiết thực, thị trường tiêu thụ mở rộng. Vườn rau khoảng 2.000m2 của tôi có thể trồng xen canh gối vụ khoảng 10 vụ/năm với thu nhập trung bình từ 05-10 triệu/tháng. Do đó, tôi và các thành viên trong tổ luôn duy trì xen canh các loại rau màu, tạo nông sản an toàn cung cấp cho thị trường, góp phần phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.
Song song với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Trà Cú tiếp tục phát triển, đến nay, toàn huyện có 1.468 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 3.728 lao động, giúp người dân có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ngày càng nâng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nâng lên, Trà Cú hiện có 354,6km đường nhựa, 294,9km đường đal; 99,45% hộ dân sử dụng điện; 99,6% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (73% hộ dân sử dụng nước sạch); 87,1% phòng học kiên cố; 90% diện tích đất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu nước tưới tiêu. Văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học -công nghệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân chuyển biến tích cực, đời sống của Nhân dân nâng lên, an sinh xã hội cải thiện. Các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách triển khai kịp thời, công tác giảm nghèo được chú trọng thực hiện. Qua đó, thành lập 65 tổ tự quản giảm nghèo, triển khai 06 dự án phát triển sản xuất nhân rộng mô hình giảm nghèo, xây dựng 1.704 căn nhà ở cho hộ nghèo (tổng kinh phí 42,6 tỷ đồng)... từ các chương trình, dự án, nhiệm kỳ qua giảm 6.266 hộ nghèo (bình quân giảm 3,12% hộ nghèo/năm). Đến nay, toàn huyện còn 1.870 hộ nghèo, chiếm 4,6%; 4.328 hộ cận nghèo, chiếm 10,65%.
Nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế Trà Cú tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất thực hiện đạt 46.842 tỷ đồng, tăng bình quân 15,2%/năm (đạt 100% Nghị quyết). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm 32,33% còn 28,23% (Nghị quyết 28,5%), công nghiệp - xây dựng từ 30,11% lên 32,66% (Nghị quyết 32,5%), thương mại - dịch vụ từ 37,56% lên 39,11% (Nghị quyết 39%). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.095 tỷ đồng (tăng 2,09 lần so với giai đoạn 2010-2015). Thu nhập bình quân ước đạt 45,33 triệu đồng/người/năm (tăng 2,03 lần so năm 2015).
|
Bà Trầm Thị Triệt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Cú nhận định: nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, Nhân dân huyện Trà Cú tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước thời gian. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, các nguồn lực đầu tư phát triển được huy động và triển khai thực hiện có hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, XDNTM đạt được kết quả bước đầu. Đến nay, có 09 xã đạt 19/19 tiêu chí (06 xã được công nhận đạt chuẩn), 06 xã còn lại đạt từ 11-15 tiêu chí, thực hiện hoàn thành 05/09 tiêu chí xây dựng huyện NTM.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.