12/02/2023 16:23
Nông dân Giang Phơ với rẫy mía vụ 2022 - 2023 đang chờ thu hoạch.
Nông dân Giang Phơ, ấp Bãi Xào Chót, xã Kim Sơn phấn khởi cho biết: gia đình có 0,8ha đất chuyên canh cây mía. Do diện tích đất mía của gia đình không thể chuyển sang trồng lúa hay nuôi thủy sản, nên gần 20 năm qua, gia đình “bám” cây mía để sống, lúc thì có giá, lúc thì rớt giá nên rất bấp bênh. Từ vụ mía 2021 - 2022 đến nay, giá mía không ngừng tăng, nên người trồng mía cũng phấn khởi; hiện năng suất mía của gia đình đạt 150 - 160 tấn/ha, CCS từ 11 trở lên; nhờ đó, mỗi vụ lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha.
Vụ mía năm 2022 - 2023, huyện Trà Cú xuống giống gần 1.130ha, đạt 112,6% kế hoạch; tập trung nhiều ở xã Kim Sơn 461ha, Lưu Nghiệp Anh 470ha… Với giá mía niên vụ 2023 - 2024 đang được Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh triển khai chính sách đầu tư và hỗ trợ cho người trồng mía, theo đó, giá mía nguyên liệu được Công ty bao tiêu là 1.000 đồng/kg mía sạch 10 CCS.
Đồng chí Trần Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: với giá mía cây được Công ty thu mua tăng cao từ 02 năm nay, đã tạo phấn khởi cho người trồng mía ở Trà Cú. Với giá mía nguyên liệu tăng, sẽ góp phần đưa diện tích mía “treo đồng” trước đây còn khoảng 700 - 800ha được nông dân lắp vụ lại và dự kiến trong niên vụ mía 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 1.500 - 1.600ha. Đối với các diện mía được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (dừa) hay nuôi thủy sản sẽ khó chuyển sang lại trồng mía; chỉ chuyển đổi các diện tích mía đang trồng cỏ hay trồng màu hoặc diện tích mía “treo đồng” từ những năm qua…
Nông dân Trì Chí Khang, ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân chia sẻ: giá mía nguyên liệu tăng, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, giá mía phải ổn định từ 1.300 đồng/kg mía nguyên liệu trở lên, khi đó, người trồng mía mới mạnh dạn chuyển đổi và “ôm” cây mía. Do hiện nay, chi phí vật tư nông nghiệp tăng khá cao, việc giá mía lên, xuống thất thường sẽ tạo tâm lý e dè cho nông dân. Gia đình có gần 1,5ha đất mía, đến nay chỉ giữ lại 0,7ha đất trồng mía, còn lại chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Ghi nhận tại vùng trồng mía ở xã Kim Sơn, vùng trọng điểm về cây mía của huyện Trà Cú; trước đây diện tích mía của Kim Sơn đạt gần 1.500ha. Qua gần 05 năm chuyển đổi đất mía (do giá mía xuống thấp từ năm 2017 - 2018), nhiều diện tích mía đã được nông dân ở đây chuyển sang nuôi thủy sản (tôm thẻ chân trắng), trồng cỏ nuôi bò và “treo đồng”…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dư Sê Tha, cán bộ phụ trách Môi trường - Nông nghiệp xã Kim Sơn cho biết: nếu giá mía tiếp tục tăng cao, nông dân ở Kim Sơn sẽ tập trung trồng lại số diện tích mía “treo đồng” từ những năm qua sang trồng mía khoảng 50ha. Từ vụ mía 2022 - 2023 diện tích mía hàng năm đều tăng trên 100ha, dự kiến vụ mía 2023 - 2024 khoảng 500ha.
Hiện nay, nhờ tác động khoa học - kỹ thuật và ứng dụng một số máy vào canh tác mía giúp nông dân tiết kiệm 01 khoản chi phí không nhỏ so với trước đây. Mô hình trồng mía không vào chân đạp, tiết kiệm từ 08 - 10 triệu đồng/ha và sử dụng phân bón hợp lý (giảm 10 - 15% lượng phân Urê).
Cũng theo đồng chí Dư Sê Tha, để không vào chân đạp khi trồng mía, nông dân sử dụng máy xới tay có gắn lưỡi cày chuyên dụng để phục vụ trong giai đoạn vô chân ấm, giúp cho rãnh trồng mía được xới sâu và lượng đất lấp vào gốc mía cao và nhiều hơn so với làm thủ công (sử dụng cuốc để lấp gốc như trước đây)… phương pháp này sẽ góp phần giảm công đoạn phải vào chân đạp cho cây mía ở giai đoạn phát triển.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.