26/05/2023 07:21
Tuyến kênh dài 400m ở ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú được Nhân dân hiến đất thi công.
Tuy nhiên, một thực trạng trong 02 năm nay là các kênh nội đồng được triển khai thi công rất tốt, nhưng trái lại, tại các tuyến kênh trục tình trạng lục bình xâm lấn và hiện hữu dày đặc trên lòng kênh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy và tiếp ngọt vào nội đồng. Ngoài ra, tình trạng lục bình còn gây khó khăn cho các phương tiện thủy ra vào vận chuyển lúa, hàng hóa nông sản trên địa bàn.
Anh Huỳnh Văn Tín, chủ phương tiện ghe vận chuyển lúa ở Sóc Trăng thường xuyên đến thu mua lúa tại cầu Thầy Nại (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) chia sẻ: đầu tháng 5/2023, phương tiện thu mua lúa của gia đình khi vào kênh Thầy Nại gặp nhiều khó khăn, tài công phải dùng sào chống và dọn lục bình để cho ghe vào tới chân cầu. Khu vực này, khi chuẩn bị kết thúc vụ lúa, có rất nhiều ghe tải vào vận chuyển lúa nhưng lòng kênh lúc nào cũng dày đặc lục bình.
Xã Long Hiệp, huyện Trà Cú có 03 công trình kênh nội đồng (01 công trình đào mới, dài 400m và 02 công trình nạo vét, dài 02km) được đăng ký triển khai trong năm 2023. Đồng chí Lê Văn Chắc, cán bộ Nông nghiệp xã Long Hiệp cho biết: công tác thủy lợi nội đồng được Nhân dân hưởng ứng thực hiện rất tốt và tham gia hiến đất, cây ăn trái đối với các diện tích đất mà công trình đi qua.
Đến nay, xã đã thi công đạt 03/03 công trình, có 12 hộ tham gia hiến trên 2.000m2 đất để đào mới tuyến kênh dài 400m ở ấp Giồng Chanh A. Ông Thạch Chịa là một trong 12 hộ dân hiến đất thi công đào mới tuyến kênh nội đồng ấp Giồng Chanh A chia sẻ: ở khu vực này chỉ sản xuất được 02 vụ lúa + vụ màu, là vùng đất giồng cát nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước, phần lớn các hộ trồng lúa đều phải chờ trời mưa. Nay được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào kênh, Nhân dân tham gia hiến đất rất phấn khởi, sau khi tuyến kênh này hoàn thành, ngoài việc trữ nước ngọt, còn giúp cho các hộ trồng màu hạn chế ngập úng trong mùa mưa.
Thủy lợi nội đồng năm 2023, huyện Trà Cú có tổng cộng 97 công trình kênh cấp III và bờ bao, đê bao được triển khai thi công, với tổng chiều dài 66km. Qua đó, góp phần phục vụ tưới tiêu cho trên 2.000ha đất sản xuất. Tổng kinh phí gần 9,9 tỷ đồng, trong này, Nhân dân hiến đất, hoa màu (quy ra tiền) gần 01 tỷ đồng.
Theo đồng chí Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: đến giữa tháng 5/2023, các địa phương thực hiện nạo vét và đào mới được 70/97 công trình. Đối với các công trình do huyện quản lý (kênh nội đồng) đã thực hiện trục vớt lục bình được gần 03ha mặt nước (kế hoạch 3,5ha mặt nước). Nhìn chung, tình trạng lục bình trong nội đồng đã được trục vớt, không gây ảnh hưởng đến bơm tác nước lên ruộng trong sản xuất vụ lúa hè - thu.
Tuy nhiên, đối với các tuyến kênh trục, kênh cấp I và cấp II (do tỉnh quản lý) tình trạng lục bình ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy và chưa được trục vớt, gây khó khăn cho người dân tiếp ngọt vào nội đồng để trữ nước trong đầu vụ sản xuất lúa hè - thu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.