13/08/2023 06:24
Bà Bùi Thị Bích Trăm, chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao “chả cá chiên Làng cá” giới thiệu với đồng chí Dương Chí Hiếu, công chức Đô thị - Môi trường thị trấn Định An về máy xay chả.
Theo đồng chí Trầm Thanh Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2023, huyện có thêm 02 sản phẩm OCOP đạt 03 sao của 02 chủ thể tại xã Lưu Nghiệp Anh và Tân Sơn. Nâng đến nay, huyện Trà Cú có 17 sản phẩm OCOP của 12 chủ thể trên địa bàn 10/17 xã, thị trấn (có 02 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao); sản phẩm OCOP hiện có của huyện Trà Cú phần lớn tại các xã khu vực nông thôn. Năm 2023, Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP, đảm bảo một số tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM.
Lãnh đạo huyện Trà Cú đã xác định: thực hiện Chương trình OCOP nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển theo hướng nội lực và tăng giá trị; là động lực thúc đẩy thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Trọng tâm của chương trình là nâng chuỗi giá trị, giúp chủ thể tăng lợi nhuận, huyện có vai trò hỗ trợ, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; phối hợp với các sở, ngành tỉnh hỗ trợ về đào tạo, tập huấn, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn.
Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Ngoài ra, thông qua phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường, làm chuyển biến toàn diện “tam nông”: nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Để phát triển sản phẩm OCOP của 07/17 xã, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP (Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Thanh Sơn, Hàm Tân, Định An, Tân Hiệp và thị trấn Trà Cú) huyện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Năm 2023, theo kế hoạch, huyện Trà Cú phấn đấu đạt 20 sản phẩm OCOP của 17 xã, thị trấn (trong đó, có 16 sản phẩm mới, 04 sản phẩm nâng sao). Trong đó, 07/17 xã, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP đều có đăng ký và có tiềm năng, phấn đấu có sản phẩm đạt OCOP năm 2023. Dự kiến tháng 9/2023, huyện tiếp tục tổ chức đánh giá đợt II/2023 đối với các sản phẩm được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã… đăng ký năm 2023.
Để đạt chỉ tiêu về số sản phẩm OCOP ở 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hoàn thành tiêu chí để huyện Trà Cú đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023, hiện UBND huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc: chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương có tiềm năng đạt sản phẩm OCOP năm 2023, tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ, tuyên truyền vận động các chủ thể hiểu về tầm quan trọng, nhất là về giá trị của sản phẩm OCOP; kết hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ từng chủ thể, qua đó xác định những vấn đề còn vướng mắc để phối hợp tháo gỡ.
Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, trong quá trình thực hiện huyện luôn chú trọng đến nhu cầu thị trường, nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng, tính đặc trưng của sản phẩm, giá… nhằm cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP có khả năng tiêu thụ thị trường ngoài tỉnh; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại các địa phương ngoài tỉnh, tạo cơ hội cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP.
Tại thị trấn Định An, bà Bùi Thị Bích Trăm, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chả cá chiên Làng cá, cũng là chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao: “chả cá chiên Làng cá” (Khóm 3, thị trấn Định An) đã liên kết được chuỗi sản xuất của sản phẩm.
Bà Trăm chia sẻ: doanh nghiệp hoạt động từ năm 2016, đến năm 2022, doanh nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện doanh nghiệp hoạt động ổn định, với năng suất sản xuất từ 1,5 - 02 tấn chả/tháng, giải quyết việc làm 10 lao động tại địa phương. Từ khi Cảng cá Định An hoạt động mạnh, nguồn nguyên liệu để sản xuất chả cá rất phong phú, hiện doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 30 - 40%/tổng nguồn nguyên liệu làm chả cá của Cảng cá.
Điểm đáng phấn khởi, từ khi “chả cá chiên Làng cá” được công nhận sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ mở rộng, đơn hàng tăng về số lượng. Hiện sản phẩm được người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận.
Theo ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Định An, ngoài sản phẩm OCOP “chả cá chiên Làng cá”, hiện địa bàn thị trấn còn nhiều tiềm năng có liên quan đến thủy sản có thể xây dựng sản phẩm OCOP: khô cá lù đù, cá đuối, cá bông lau… Tuy nhiên, để có thêm sản phẩm OCOP, chủ thể cần nguồn kinh phí, nên nhiều chủ cơ sở trên địa bàn chưa triển khai thực hiện.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với những kết quả đạt được bước đầu, để chương trình OCOP đạt kết quả về số, nâng chất, đòi hỏi các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể trên địa bàn huyện Trà Cú cùng chung tay triển khai thực hiện, đó là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng huyện Trà Cú đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023 như Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.