07/10/2023 06:23
Tàu đánh bắt hải sản của các tỉnh về cập Cảng cá Định An, huyện Trà Cú.
Trong thực hiện các giải pháp cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU, tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến với các địa phương, chủ tàu và các cơ sở bốc dỡ hàng hóa thủy sản, các cảng cá… về việc chấp hành các quy định liên quan đến khai thác hải sán, đánh bắt xa bờ…
Ghi nhận tại địa bàn huyện Châu Thành, là 01 trong 06 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trong thực hiện IUU; các địa phương có phương tiện khai thác đánh bắt hải sản tập trung ở các xã Hòa Thuận, Hưng Mỹ, Long Hòa, Hòa Minh… Trên địa bàn huyện hiện có 128 tàu cá (58 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, 70 tàu có chiều dài dưới 15m).
Đồng chí Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: thực hiện các nội dung về chuẩn bị tiếp và làm việc với đoàn thanh tra EC về IUU, huyện tập trung thông tin truyền thông trên địa bàn huyện, phổ biến quy định pháp luật về chống khai thác IUU, những nỗ lực của tỉnh trong chống khai thác IUU và kết quả đạt được trong thời gian qua trên cổng thông tin điện tử của huyện và Đài Truyền thanh huyện. Lắp đặt các bảng pa-nô, áp phích tại các xã trọng điểm có khai thác, đánh bắt hải sản…
Phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức hội nghị tuyên truyền, triển khai các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn huyện Châu Thành 03 cuộc tại các xã Long Hòa, Hòa Minh và Hòa Thuận, có 85 chủ tàu cá tham dự; cấp phát 150 tờ rơi tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Triển khai công tác quản lý tàu cá và phối hợp theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên địa bàn huyện… đông thời, chỉ đạo các xã triển khai cho các chủ tàu cá các quy định chống khai thác IUU và thực hiện ký cam kết không vi phạm khai thác thủy sản theo quy định đến các chủ tàu cá.
Ngư dân Nguyễn Văn Lộc, ấp Vĩnh Bảo, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết: gia đình có hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển; hiện đang có 01 tàu chuyên về lưới rê (công suất 320CV) và hoạt động ở vùng biển Trà Vinh, Cà Mau. Hoạt động đánh bắt của phương tiện chủ yếu từ tháng Giêng đến tháng Ba hàng năm là tương đối có hiệu quả. Trung bình mỗi chuyến ra khơi từ 13 - 15 ngày và thu nhập của các bạn ghe từ 05 - 06 triệu đồng/tháng. Ngư dân tham gia đánh bắt hải sản ở địa phương đều nhận được các thông báo của ngành chức năng trong việc tuân thủ các quy định về khai thác đánh bắt hải sản trên biển…
Cũng theo ngư dân Nguyễn Văn Lộc, thực hiện các quy định liên quan đến khai thác hải sán, đánh bắt xa bờ cũng như IUU; tàu khai thác của gia đình đã lắp đặt thiết bị VMS từ năm 2020 đến nay. Mặc dù khai thác ở vùng biển nông nhưng việc ghi nhật ký sản lượng trong khai thác ở mỗi chuyến trước khi vào bờ đều tuân theo quy định của ngành Thủy sản.
Lao động tham gia tu sửa ngư lưới cụ tại gia đình ngư dân Nguyễn Văn Lộc.
Hiện toàn tỉnh có 880 tàu đăng ký (được cập nhật dữ liệu đăng ký đầy đủ lên hệ thống VN-Fishbase); đến ngày 26/9/2023, Chi cục Thủy sản tỉnh đã cấp phép khai thác thủy sản cho 850/880 tàu cá đủ điều kiện cấp phép theo Luật Thủy sản 2017 (đạt 100% kế hoạch). Sử dụng hệ thống giám sát tàu cá (VMS) theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển, toàn tỉnh có 275 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt VMS; số tàu đã lắp đặt là 249 tàu, đạt 100%/tổng số tàu đang hoạt động và 26 tàu cá không còn hoạt động (do hư hỏng, nằm bờ…).
Qua trao đổi với đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Trà Vinh: dự kiến từ ngày 10 - 18/10/2023, đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra IUU… Hiện nay, tỉnh đã hoàn tất các văn bản, hồ sơ và các nội dung chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EC (lần 04) theo Công văn số 6164/BNN-KN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, rà soát, tổng hợp số liệu, lưu trữ hồ sơ xử lý hành vi vi phạm (nếu có) về khai thác IUU, cung cấp hồ sơ xử lý theo yêu cầu của đoàn thanh tra của EC.
Đặc biệt, trong xử lý vi phạm hành chính, tàu thanh tra chuyên ngành Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các đồn biên phòng thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại cảng cá và trên biển thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong 09 tháng năm 2023, tổ chức 17 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kiểm tra 943 phương tiện kết hợp tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp, với số tiền 274,2 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Kiểm tra, xử lý 100% các vi phạm về nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động sai vùng, vượt ranh giới trên biển, ngắt kết nối VMS… đảm bảo đầy đủ hồ sơ xử lý theo quy định. Tổ chức cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại https://vphc.tongcucthuysan.gov.vn/cms.nc.
Cũng theo đồng chí Trần Văn Dũng, thực hiện Công văn số 6164/BNN-KN, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát, đảm bảo 100% tàu cá phải duy trì kết nối thiết bị VMS từ lúc rời cảng đến khi cập cảng. Ngay khi phát hiện các trường hợp mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển… cử cán bộ làm việc trực tiếp với chủ tàu, liên lạc với thuyền trưởng yêu cầu tuân thủ quy định về VMS, không vượt ranh giới trên biển và tiến hành xác minh, xử lý vi phạm hành chính khi tàu về bờ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh phối hợp lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác khi xuất, nhập bến tại địa phương tham gia hoạt động khai thác thủy sản; đặc biệt, thiết bị VMS trên tàu cá từ 15m trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng.
Tổ chức lập danh sách, theo dõi, giám sát toàn bộ các trường hợp nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, thường xuyên ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, hoạt động sai vùng….); đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác tỉnh đã nắm rõ (tàu đang neo đậu ở đâu, tình trạng tàu…); phân công, giao trách nhiệm cho cơ sở (xã/phường/thị trấn) theo dõi, quản lý để kịp thời ngăn chặn, xử lý nếu cố tình vi phạm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.