25/04/2022 07:54
Khu vực cảng than của Trung tâm Điện lực Duyên Hải - nơi bốc than hoạt động cho các nhà máy Nhiệt điện.
Nhằm thực hiện hiệu quả, ngày 30/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn ký Quyết định số 626/QĐ-UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Với quyết tâm chính trị cao nhất, Trà Vinh thực hiện Chiến lược gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh.
Với điều kiện về vị trí, tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế biển. Thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trà Vinh có nhiều thuận lợi, đúng với mục tiêu: đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Trà Vinh là tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL, nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu, bờ biển dài 65km, có vị trí chiến lược phát triển về kinh tế, quốc phòng - an ninh, có lợi thế khai thác, đánh bắt xa bờ, là tuyến hàng hải quan trọng của vùng ĐBSCL thông ra Biển Đông và quốc tế. Tỉnh có 04 huyện và 01 thị xã tiếp giáp biển.
Những năm qua, tỉnh được Trung ương quan tâm quy hoạch và đầu tư nhiều công trình trọng điểm cấp quốc gia; bên cạnh, tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư vào vùng kinh tế biển, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khu kinh tế (KKT) Định An, diện tích quy hoạch 39.020ha, là 01 trong 08 KKT ven biển trọng điểm của cả nước, là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế biển; Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu, Bến cảng tổng hợp Định An là tiền đề thúc đẩy phát triển cảng nước sâu và trở thành trung tâm giao thương của ĐBSCL; Trung tâm Điện lực Duyên Hải, công suất 4.490MW và các công trình điện gió, điện mặt trời... là những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế biển trong tương lai.
Từ lợi thế đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành và sự đồng thuận của Nhân dân, giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế biển tăng trưởng bình quân 10,5%/năm; giá trị sản xuất của các địa phương ven biển đóng góp khoảng 70%/tổng giá trị của tỉnh, giá trị tăng thêm ngành thủy sản bình quân khoảng 3,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người các huyện, thị xã ven biển gấp khoảng 1,1 lần so tỉnh. Kết cấu hạ tầng các huyện, thị xã ven biển được quan tâm đầu tư: cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; các tuyến giao thông kết hợp đê bao ven biển, công trình thủy lợi, khu dân cư, tái định cư… hoàn thành và đưa vào sử dụng; hộ dân vùng ven biển sử dụng điện đạt 98,33%, nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ khá; đời sống Nhân dân vùng ven biển không ngừng cải thiện; thị xã Duyên Hải được thành lập vào năm 2015.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI đã để ra mục tiêu “Huy động tối đa nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn liền với liên kết vùng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo hướng xây dựng Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL”. Mục tiêu đề ra là thách thức không nhỏ. Để đạt mục tiêu, tỉnh xác định vùng phát triển kinh tế biển là 01 trong 03 vùng kinh tế trọng điểm. Ngày 11/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 21-CTr/TU về phát triển kinh tế biến tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện hiệu quả Chiến lược, mục tiêu đã đề ra, Trà Vinh thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tích hợp cụ thể, chặt chẽ, khoa học phù hợp với tiềm năng của tỉnh, lợi thế của từng vùng, đặc điểm của từng địa phương.
Tăng cường mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp biển như: sửa chữa đóng tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, phát triển khai thác, nuôi trồng và chế biển thủy sản; đẩy mạnh khai thác thủy sản ở những vùng biển xa bờ, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ phát triển nuôi thủy sản; xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án nhà máy chế biển thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiến tới phát triển công nghiệp chế biến, hoàn thiện chuỗi giá trị thủy sản.
Ngư dân tập kết về Cảng cá Định An (Trà Cú) phân loại cá trước khi tiêu thụ.
Đặc biệt, phát triển KKT Định An, các khu công nghiệp (KCN) trong KKT và công nghiệp ven biển, các dự án đầu tư trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển: huy động các nguồn lực, mời gọi đầu tư, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng quan trọng KKT Định An, phát triển các KCN trong KKT như: KCN Đôn Xuân - Đôn Châu; KCN Định An và các phân khu chức năng trong KKT như: Khu ngoại quan, Khu phi thuế quan, hệ thống phân phối hàng hóa...; đầu tư một số hạng mục Khu Dịch vụ - Công nghiệp Ngũ Lạc để thu hút đầu tư; phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở phát triển cảng biển và KKT Định An; mời gọi đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với hệ thống cảng biển được phê duyệt.
Tiếp tục đưa một số dự án đầu tư phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (Quy hoạch điện VIII) nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về năng lượng tái tạo. Phấn đấu đến năm 2025 sản lượng điện sản xuất đạt 43,8 tỷ kilowatt giờ. Đồng thời, quy hoạch xây dựng thị xã Duyên Hải đạt tiêu chí đô thị loại III hướng đến đô thị thông minh vào năm 2030.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.