04/11/2022 07:51
Kết quả này có thể khẳng định: thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh về chiến lược “tam nông”, so với lộ trình, Trà Vinh đã rút ngắn gần 02 năm.
Qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, đến nay tỉnh Trà Vinh đạt nhiều thành tựu nổi bật; tạo bước ngoặt mới toàn diện: nông nghiệp, dân dân và nông thôn đã phát triển; quá trình tái cơ cấu hiệu quả, góp phần đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực, đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu, ổn định kinh tế và tăng trưởng GRDP. Nông nghiệp trở thành nền tảng tạo việc làm, nguồn thu nhập quan trọng cho nông dân.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Thông tin từ Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh (BCĐ), ngay sau khi Nghị quyết số 26 ra đời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ động vào cuộc, nhằm đạt được mục tiêu: đưa Nghị quyết số 26 vào cuộc sống; BCĐ chỉ đạo các sở, ngành, thành viên BCĐ tăng cường thực hiện vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành tạo bước ngoặt về “tam nông”, thực hiện XDNTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Xác định XDNTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; các cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò chính trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện; nhất là đảng bộ, chi bộ cơ sở phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn; lãnh đạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh; tham gia tích cực việc huy động các nguồn lực phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển “tam nông”, XDNTM. Tỉnh ủy phân công lãnh đạo các sở, ngành; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách xã điểm; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp chủ động, phối hợp xây dựng, triển khai kế hoạch, đưa nội dung Nghị quyết số 26 vào cuộc sống.
Từ năm 2008 đến năm 2020, nhiều văn bản về thực hiện “tam nông” và XDNTM được ban hành; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015, trên cơ sở các cơ chế, chính sách và quy định của Trung ương, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về phê duyệt một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM giai đoạn 2012 -2015; UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu kết cấu mặt đường bê tông cốt thép đường giao thông nông thôn; thiết kế mẫu nhà văn hóa ấp… với trên 100 văn bản các loại được ban hành.
Giai đoạn 2016 - 2020, triển khai thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 08/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2016 - 2020; tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện Nghị quyết số 26: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; Bộ tiêu chí xã NTM trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2020; tiêu chuẩn ấp văn hóa, ấp NTM; gia đình văn hóa, NTM; Bộ tiêu chí huyện NTM và quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM giai đoạn 2016 - 2020… Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các sở, ban ngành tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể hóa các quy định của Trung ương về 19 tiêu chí NTM.
Năm 2011, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập BCĐ các cấp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Đến năm 2016, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập, củng cố và kiện toàn BCĐ các cấp và để sâu sát trong chỉ đạo, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo sáp nhập 03 BCĐ: BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; BCĐ Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thành BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh (Quyết định số 1282-QĐ/TU, ngày 08/12/2016).
Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng chỉ đạo sáp nhập, kiện toàn BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện giai đoạn 2016 - 2020 với 333 thành viên; 85/85 xã kiện toàn BCĐ (cấp tỉnh, huyện, xã đều do Bí thư làm trưởng BCĐ). Đối với ấp, 100% ấp có Ban Phát triển ấp do Bí thư chi bộ ấp làm trưởng ban.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động, đưa Nghị quyết số 26 vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong triển khai thực hiện XDNTM. Qua gần 15 năm thực hiện, BCĐ tỉnh, địa phương tổ chức hơn 50.000 cuộc với khoảng 1,5 triệu lượt người tham dự. Các nội dung tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của XDNTM: 19 tiêu chí xã NTM; các cơ chế chính sách liên quan đến 08 nội dung ấp NTM, 08 tiêu chuẩn hộ gia đình NTM; bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; bộ tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; nhiệm vụ các cấp và người dân đối với XDNTM…
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, tặng bằng khen cho các thành viên BCĐ xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải - xã được công nhận NTM nâng cao năm 2022.
“Luồng gió mới” để tạo sức bật mới
Nghị quyết số 26 sau khi triển khai và đi vào cuộc sống trở thành “luồng gió mới”, khích lệ người dân năng động, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất. Nhờ đó, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; trình độ sản xuất phát triển vượt bậc, đời sống của Nhân dân ngày càng nâng cao.
Trà Vinh có nhiều thuận lợi về điều kiện địa lý ven biển với 02 vùng sinh thái ngọt và lợ, thích hợp phát triển trồng trọt, nuôi thủy sản. Với lợi thế trên, từ khi tái lập tỉnh (năm 1992), qua các kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh, Trà Vinh luôn xác định nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực… Tuy nhiên, trước khi Nghị quyết số 26 ra đời, nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa bứt phá, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; không gắn kết với công nghiệp chế biến để tạo hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng, mẫu mã và thương hiệu để thu hút thị trường... do thiếu định hướng rõ nét, không đồng bộ về giải pháp từ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạn chế trong công tác vận động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; nông dân chưa dám nghĩ, dám làm để tạo mô hình mới, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tăng thu nhập...
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 26 ra đời tạo “luồng gió mới” cho tỉnh nghèo Trà Vinh vươn lên phát triển. Quán triệt Nghị quyết số 26, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh bắt tay xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; 04 mục tiêu lớn được Đảng bộ tỉnh đề ra và tập trung nguồn lực thực hiện: đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ “tam nông”; thay đổi dần phương thức sản xuất nhỏ lẻ; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất công nghiệp chế biến.
Ngày 22/6/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thể hiện vai trò và sự lãnh đạo tích cực nhằm quán triệt Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, xác định “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và XDNTM. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn” |
Để đạt những mục tiêu trên, tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các lĩnh vực: thủy lợi, giao thông và điện. Các ngành chuyên môn kết nối với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang)... nghiên cứu về thổ nhưỡng, thực nghiệm, hình thành các mô hình sản xuất, chăn nuôi, cây, con mới cho năng suất và chất lượng cao. Cuộc cách mạng về khoa học - kỹ thuật của tỉnh chỉ sau 05 năm, đã tạo bước ngoặt toàn diện về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông sản.
Theo đánh giá của BCĐ tỉnh, Nghị quyết số 26 đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực; từ đó đạt nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả mang lại không chỉ xây dựng được “nền móng” hiện đại cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện rõ nét về đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng tích cực, mà còn đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.