06/11/2022 11:12
Bài 1: Tạo bước ngoặt toàn diện về “tam nông”
Trung ương đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 53B, đoạn xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, giúp thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ XDNTM đầu tiên cấp huyện của tỉnh.
Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, so với các tỉnh trong khu vực, Trà Vinh có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt: được Sông Tiền, Sông Hậu và Biển Đông bao quanh. Với vị trí địa lý này, các ngành, nghề nông - ngư nghiệp nhiều tiềm năng và nhiều cơ hội cho hội nhập và phát triển sâu rộng với các vùng, miền trong cả nước.
Với lợi thế đó, cùng với quan điểm của Đảng bộ tỉnh về “tam nông”, nhất là vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được thể hiện trong Nghị quyết số 26, với sự quan tâm sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, mà nòng cốt là nông dân trong tỉnh; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đủ năng lực, trình độ làm chủ nông thôn mới... nên nông dân được thụ hưởng nhiều thành quả.
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 26, mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, mời gọi xúc tiến đầu tư nhưng tỉnh Trà Vinh vẫn nằm trong nhóm tỉnh được đánh giá có thu nhập thấp trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi Nghị quyết số 26 ban hành, là dấu mốc quan trọng để Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định và định hướng, ban hành các chính sách và đối sách phù hợp nhất; nhằm thực hiện đúng với mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng đặt ra của Nghị quyết “tam nông”, mà người hưởng lợi trước nhất là nhà nông.
Giải pháp nào giúp Trà Vinh đạt được mục tiêu đó - đây là câu hỏi lớn đặt ra cho lãnh đạo tỉnh để xây dựng kết cấu hạ tầng, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ XDNTM. Nghị quyết “tam nông” đã tạo động lực thúc đẩy giúp Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Nhìn lại giai đoạn trước khi Nghị quyết số 26 ra đời, sản xuất của người dân vùng nông thôn ở một số địa phương trong tỉnh gần như tuân theo quy luật tự nhiên: mùa nắng thì trồng rẫy, trồng màu; mùa mưa thì trồng lúa theo tập quán kinh tế tự túc tự cấp, “làm chừng nào, ăn chừng ấy”, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn về thu nhập ở nông thôn còn cao. Sản xuất lúa, màu với thụ động, chưa theo kịp tiến bộ khoa học công nghệ, chưa khai thác hết tiềm năng đất gồng cát, đất vườn tạp; diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả…
Khi Nghị quyết số 26 ra đời, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy bằng những giải pháp thiết thực và cụ thể. Trong đó, chú trọng những vùng, những lĩnh vực trọng yếu để chỉ đạo tập trung; đây là nền tảng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Vinh phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đồng thuận trong dân để thực hiện mục tiêu nhiệm về hiệu quả cao nhất về “tam nông”. Nhờ bám sát Nghị quyết số 26 để chuyển dịch cơ cấu sản xuất đúng hướng, nên tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống vật chất; văn hóa, tinh thần của Nhân dân không ngừng cải thiện, khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn từng bước được rút ngắn.
Theo đồng chí Lê Thị Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú: là một trong những xã nghèo, khó khăn, có đông đồng bào Khmer sinh sống. Sau 15 năm thực hiện “tam nông”, đến nay, xã Ngãi Xuyên đã có nhiều thay đổi, nhất là đời sống người dân không ngừng nâng lên.
Qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, diện mạo nông thôn của tỉnh đã không ngừng thay đổi; với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành hiệu quả của chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân… “tam nông” của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế quan trọng, là “trụ đỡ” trong phát triển kinh tế của tỉnh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn được đề cao; đó được xem là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 là rất quan trọng.
Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi thực hiện Nghị quyết số 26, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân ngày càng hiệu quả. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000ha đất trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản: chuyển sang trồng cây hàng năm 391ha; chuyển sang cây lâu năm 1.450 ha (cây ăn trái 835ha, dừa 615ha)… Đặc biệt, kết quả từ nghị quyết “tam nông” ngày càng rõ nét, nên công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các chương trình mục tiêu, huy động nguồn lực XDNTM ngày càng thuận lợi, đón nhận sự hài lòng của người dân, bởi người dân là đối tượng trực tiếp hưởng lợi đầu tiên.
Với kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, ngày 16/6/2022 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của các tổ chức Đảng trong XDNTM kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao…
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.