08/11/2022 11:05
Bài 1: Tạo bước ngoặt toàn diện về "tam nông"
Bài 2: "Tam nông" người hưởng lợi trước nhất là nông dân
Những tuyến đường đal ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần ngày càng nhiều, phục vụ nhu cầu đi lại cho học sinh vùng đồng bào Khmer.
Đó là thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 11,2 triệu đồng/năm của năm 2010, lên gần 40 triệu đồng/năm vào 2020; giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã giảm nghèo 16,02% (đầu năm 2011 hộ nghèo là 23,63% với 58.158 hộ; đến cuối năm 2015 còn 7,61%, với 20.417 hộ, giảm 37.741 hộ, bình quân giảm 7.548 hộ/năm, tương đương 3,2%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer so với tổng số hộ dân tộc Khmer từ 40,34% (30.238 hộ) vào đầu năm 2011 giảm còn 14,13% (12.072 hộ) vào cuối năm 2015 (giảm 26,21%, tương đương giảm 18.166 hộ, bình quân giảm 5,24%/năm).
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh giảm 7,28% (đầu năm 2016 hộ nghèo là 13,23% (35.506 hộ) cuối năm 2018 giảm còn 5,95% (16.414 hộ), giảm tổng cộng 19.092 hộ, bình quân giảm 6.364 hộ/năm (tương đương 2,43%); cuối năm 2019, hộ nghèo còn 4,45% (giảm 1,5%, tương đương 4.137 hộ), hộ nghèo dân tộc Khmer còn 8,27% (giảm 03%, tương đương 2.683 hộ), 100% hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh được thoát nghèo bền vững...
Để minh họa rõ nét hơn cho sức bật “tam nông”, nhất là những đổi thay của vùng có đông đồng bào Khmer, qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, chúng tôi đến thăm những ấp khó khăn của các huyện trước đây từng là “vùng trắng” như: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú... Quả thật những hình ảnh thời gian khó giờ đã thay đổi về diện mạo, về cách nghĩ, cách làm của đồng bào Khmer.
Đồng chí Võ Trần Vũ Linh, Công chức phụ trách Nông nghiệp xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: dân số của xã có 3.351 hộ, với 12.248 nhân khẩu (dân tộc Khmer 993 hộ, 4.601 nhân khẩu, chiếm 29%). Trước đây, Long Vĩnh là bưng biền, đất hoang chiếm rất lớn. Từ khi thực hiện “tam nông”, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống của người dân thay đổi và chuyển biến; hiện nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đánh bắt thủy sản phát triển mạnh, nhất là đồng bào Khmer.
Khoảng 10 năm trước, vùng quê xã Đông Hải, Đôn Châu, huyện Duyên Hải là những cánh đồng hoang sơ, người dân ở đây chỉ nuôi tôm sú theo hình thức thả lan nên hiệu quả không cao, nhưng khi kết cấu hạ tầng được đầu tư, ở đây giờ phủ kín bởi những ao tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, siêu thâm canh mật độ cao... Nhiều hộ dân tộc Khmer có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Với những thành tựu đạt được qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: có 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 08 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 01 đơn vị cấp huyện đạt NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2025 - 2030: có 100% xã giữ vững và nâng chất các tiêu chí đúng theo qui định, có 70% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt được các mục tiêu trên, dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trực tiếp chương trình (Trung ương, tỉnh) 1.200 tỷ đồng (24%); vốn lồng ghép các chương trình dự án 300 tỷ đồng (06%); vốn tín dụng 2.250 tỷ đồng (45%); vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 750 tỷ đồng (15%); huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 500 tỷ đồng (10%). |
Nói về sự “chuyển mình” của vùng đất cát của xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, đồng chí Nguyễn Văn Lánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải cho biết: là vùng ven biển, có thế mạnh đất cát pha, một bộ phận là đồng bào Khmer, trước đây người dân chủ yếu nuôi thủy sản và trồng màu; điều kiện về hạ tầng nông thôn khó khăn... Triển khai Chương trình XDNTM và các chính sách thực hiện Nghị quyết số 26 đã giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn trong đầu tư phát triển sản xuất... giúp thị xã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Bà Kiên Thị Hồng Nga, ngụ ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang chia sẻ: gia đình có 04 ao, tổng diện tích 8.000m2. Trong đó, bà sử dụng 03 ao nuôi, 01 ao lắng; 05 năm qua, chưa vụ nuôi nào thất bại, năm có lợi nhuận cao nhất gần 01 tỷ đồng đồng/03 ao. Bà Hồng Nga chia sẻ: nhờ địa phương làm đường đal, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật… nên gia đình tôi nuôi tôm thành công…
Để đánh giá đúng thực chất về sức bật “tam nông” trong đồng bào Khmer, nhìn lại 30 năm qua (5/1992 - 5/2022), từ khi Trà Vinh được tái lập, Đảng bộ Trà Vinh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, nhằm làm chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer. Tỉnh ủy luôn chủ trương phải phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào Khmer.
Trên cơ sở các nghị quyết, văn bản được ban hành, như: Nghị quyết số 26; Kết luận 97-KL/TW, ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận 54-KL/TW, ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những chủ trương, chính sách về lĩnh vực khác… Tỉnh ủy đã cụ thể, nhằm làm chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer.
Công tác triển khai tuyên truyền, vận động về Chương trình XDNTM trong vùng đồng bào Khmer luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, thực hiện thường xuyên, rộng khắp và được sự đồng thuận. Qua tuyên truyền, giúp người dân nắm được nội dung của Chương trình, chủ động tham gia XDNTM với tư cách là chủ thể. Huy động được nguồn lực của Nhân dân để XDNTM, giảm gánh nặng cho ngân sách. Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng truyền thông về XDNTM: tổ chức các hội thi tìm hiểu về XDNTM, mô hình tuyến đường xanh - sạch - đẹp của Hội Cựu chiến binh, mô hình xây dựng gia đình 5 không 3 sạch của Hội Phụ nữ...
Đồng chí Huỳnh Kim Nhân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: kết quả huy động nguồn lực XDNTM từ năm 2010 đến cuối năm 2021 gần 12.000 tỷ đồng. Qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện và sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân. Từ đó, phong trào thi đua đã đạt được những kết quả khả quan đúng theo mục tiêu, nội dung kế hoạch đề ra. Sự phối hợp giữa UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đồng bào Khmer đã có những đóng góp và hăng hái thi đua phát triển kinh tế, góp công, góp sức và các phần việc cụ thể góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Kết quả đạt được, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, vào cuộc với cả hệ thống chính trị cùng với toàn thể Nhân dân; trong đó, vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của đồng bào Khmer trong tỉnh được đề cao, đánh giá trân trọng. Từ đó, huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nội lực đầu tư; xây dựng quy hoạch trên cơ sở sự đồng thuận cao của người dân, quy hoạch NTM được duyệt được công khai.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền kiên trì, thường xuyên, chú ý chiều sâu và rộng khắp tạo niềm tin cao để phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân, để người dân hiểu xây XDNTM, nội lực của cộng đồng tại từng địa phương luôn là cốt lõi; xác định đúng mục tiêu của XDNTM là nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cả về vật chất, tinh thần của người dân; không phô trương, hình thức, chú ý nội dung, chất lượng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.