01/01/2021 16:35
Theo đó, tỉnh cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông, dạy nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong doanh nghiệp (DN), tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, tỷ lệ sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tư nhân, tỷ lệ lao động đáp ứng được nhu cầu của DN. Tỉnh tập trung các giải pháp hỗ trợ DN giảm chi phí đào tạo lao động, tuyển dụng lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo "phân luồng" học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể và UBND cấp huyện trong việc thực hiện Đề án phân luồng góp phần nâng cao chỉ số đào tạo lao động.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo nghề, lấy nhu cầu sử dụng lao động của DN làm mục tiêu đào tạo nghề; liên kết với DN xây dựng nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và sử dụng lao động sau khi đào tạo; thực hiện đào tạo lý thuyết tại trường, đào tạo thực hành tại DN; đảm bảo người lao động sau khi đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN.
Các Trung tâm dịch vụ việc làm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho DN. Đồng thời, tích cực liên hệ, phối hợp với các DN, trường cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức, đoàn thể tư vấn, định hướng kỹ năng mềm cho lao động sau đào tạo. Thông tin về thị trường lao động và chính sách lao động, việc làm thường xuyên cập nhật trên website của Trung tâm và qua kênh tuyên truyền báo, đài. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch việc làm, thực hiện định kỳ vào ngày 10 hàng tháng ở Trung tâm và mở lưu động ở các cụm xã, đặc biệt tổ chức tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Khuyến khích, mời gọi các cá nhân, tổ chức kinh tế ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển DN dịch vụ việc làm tư nhân để tăng nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ; khuyến khích DN tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động dịch vụ việc làm. Tỉnh tăng cường tuyên truyền rộng rãi chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định tại Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đến từng DN biết và tham gia thực hiện.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ phát huy vai trò của các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và giao chỉ tiêu giới thiệu việc làm hàng năm cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; từng bước giao quyền tự chủ tài chính cho các Trung tâm của huyện. Sở tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã, cụm xã; xây dựng đội ngũ cộng tác viên giới thiệu việc làm tại khóm ấp, tổ dân cư; cung cấp đầy đủ kịp thời, chính xác thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ giới thiệu việc làm...
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: năm 2019, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh tăng 0,75 điểm so với năm 2018 nhưng không tăng bậc, tiếp tục đứng hạng 63/63 tỉnh, thành. Chỉ số đào tạo lao động có 11 yếu tố thành phần thì có đến 8 thành phần giảm điểm.
Cụ thể, DN từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh 63%, thấp hơn điểm trung vị của cả nước 2%. DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm 32%, thấp hơn điểm trung vị của cả nước 27%. DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh 53%, thấp hơn điểm trung vị của cả nước 13%. Phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động 7,79%, cao hơn điểm trung vị của cả nước 1,49%. Phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động 5,75%, cao hơn điểm trung vị của cả nước 0,89%. Lao động tại tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN đạt 88%, thấp hơn trung vị cả nước 2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo/số lao động chưa qua đào tạo 3%, thấp hơn điểm trung vị của cả nước 3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động 7%, thấp hơn điểm trung vị của cả nước 4%.
Theo ông Nguyễn Văn Út, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh có nhiều hạn chế trong công tác đào tạo lao động, đa phần các DN không liên kết với hệ thống Trung tâm Dịch vụ Việc làm trong công tác giới thiệu lao động cho DN. Cùng với đó, một số ngành, nghề thuộc các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh như: năng lượng, năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, thương mại, dịch vụ, du lịch... thì các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh chưa đủ năng lực đào tạo.
Năm 2019, PCI tỉnh Trà Vinh tuy tăng điểm nhưng tiếp tục giảm 12 bậc so với năm 2018, xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng vị trí thứ 13/13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, 03 năm gần đây, PCI Trà Vinh luôn đứng ở nhóm điều hành trung bình đã tác động lớn đến khả năng thu hút đầu tư của tỉnh.
THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.