16/08/2024 19:22
Cống Rạch Bần (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) góp phần trữ ngọt và ngăn mặn cho vùng nội đồng các xã Ngọc Biên, Long Hiệp.
Bên cạnh các công trình thủy lợi hiện có đã và đang phát huy hiệu quả trong việc tiếp ngọt, ngăn mặn trong sản xuất. Trong năm 2023, 2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng 17 công trình cống hở (mặt rộng từ 03 - 08m) và nạo vét 18 tuyến kênh trục (tổng chiều dài trên 103km), với tổng kinh phí trên 387 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng 15 trạm bơm điện - kênh bê-tông phục vụ sản xuất nông nghiệp để phục vụ khoảng 5.500 hộ dân sản xuất trên diện tích khoảng 4.325ha đất nông nghiệp do chịu ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn…
Các công trình trên đã trực tiếp dẫn nước ngọt từ thượng nguồn về cung cấp cho các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp như huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Nông dân Thạch Phia, ấp Chợ, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết: tại khu vực ấp tiếp giáp trên tuyến Kênh 1 (đồng trước) sau khi có công trình cống được xây dựng và đưa vào vận hành, đã tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất lúa trong việc tiếp và trữ ngọt vào mùa khô.
Đồng chí Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: hiện trên địa bàn huyện có 31 công trình cống ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư và đưa vào vận hành; trong đó, có 05 cống triển khai xây dựng giai đoạn 2023 - 2024, nằm trong hệ thống công trình Trạm bơm 3 tháng 2, như cống Long Hiệp - Ba So (xã Long Hiệp); cống Vàm Buôn 2 (xã Phước Hưng); Ba Trạch, cống N16, N17 (xã Tân Hiệp) trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ cho các địa phương vùng tiếp giáp ven biển. Với các công trình thủy lợi được đầu tư đã cơ bản từng bước thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp.
Còn khu vực vùng chuyên canh cây ăn trái ở cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) nằm trên tuyến Sông Hậu, trong năm 2024 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thi công 05 cống ngăn mặn (nằm trong dự án 17 công trình cống), gồm cống Khém Lớn, Cả Trước, Phong Lưu, Tám Mịt; với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng. Đây là các công trình có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn mặn xâm nhập sâu vào vườn cây ăn trái của nhà vườn khi nước mặn lấn sâu hướng từ vàm Cầu Quan về thượng nguồn Sông Hậu.
Theo đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: đến cuối năm 2023, cù lao Tân Qui đã triển khai xây dựng xong và đưa vào sử dụng 04/09 cống ngăn mặn. Hiện nay, với 05 cống còn lại đang được triển khai và khi đưa vào sử dụng, sẽ đảm bảo cho 570 nhà vườn ở cù lao chủ động ngăn mặn và ngập úng trong mùa mưa với tổng diện tích gần 400ha.
Nhà vườn Trần Thị Ngọc, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 0,6ha trồng chôm chôm, những năm trước đây, do ảnh hưởng mặn lấn sâu lên tuyến Sông Hậu và khu vực cù lao Tân Qui chưa có các cống khép kín nên nước mặn gây thiệt rất lớn cho các vườn cây ăn trái.
Từ năm 2023, khu vực cù lao triển khai xây dựng và đưa vào vận hành 04 cống đã giúp nhà vườn chủ động một phần về nguồn nước; việc triển khai đầu tư thêm 05 công trình cống trong thời gian tới, các vườn cây ăn trái ở khu vực cù lao Tân Qui sẽ an toàn, đảm bảo ngăn mặn len lõi theo các khém lớn vào trong vườn cây.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.