28/04/2025 11:46
Hiện nay đang vào thu hoạch vụ lúa đông - xuân, tập trung vịt nuôi chạy đồng từ các nơi về khá nhiều, các địa phương cần tăng cường kiểm soát đàn. Ảnh chụp tại Ấp 2, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, ngày 17/4/2025.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC được kiểm soát tốt, chưa xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, mưa trái mùa làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi; nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên GSGC có khả năng phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất lớn, do tỷ lệ tiêm phòng một số loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi còn thấp; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh; chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học;…
Thực hiện tiêm vắc-xin cúm gia cầm được 819.791 con gia cầm/992.261 liều vắc-xin, đạt 26,53% kế hoạch năm; dịch tả heo châu Phi 7.116 con/7.116 liều vắc-xin, đạt 4,87% kế hoạch năm; tiêm vắc-xin lở mồm long móng được 61.287 con gia súc/60.754 liều vắc-xin, đạt 18,62% kế hoạch năm (trong đó, tiêm phòng cho đàn bò 43.940 con, đạt 28,73% kế hoạch)…
Từ ngày 01 - 31/3/2025, ngành thú y đã triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2025”, qua đó, tổ chức phun xịt được 243.524 lượt hộ chăn nuôi với tổng diện tích 8,15 triệu mét vuông chuồng trại; tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tại 61 chợ/diện tích 102.431m2.
Ghi nhận về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh và tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi trên địa bàn huyện Châu Thành và Cầu Kè; đây là các huyện có số hộ nuôi GSGC tập trung nhiều. Bên cạnh ý thức của các hộ nuôi GSGC theo hình thức quy mô lớn thực hiện khá tốt về tiêm phòng; các hộ nuôi nhỏ lẻ, nhất là trên đàn gà, heo đối với công tác tiêm phòng chưa cao; hiện nay, việc tiêm phòng thực hiện theo hình thức xã hội hóa, người nuôi chi trả chi phí (thuốc, công tiêm)…
Những tháng đầu năm 2025, tình hình chăn nuôi của người dân trên địa bàn Cầu Kè phát triển mạnh, do giá thịt hơi (heo, gia cầm) tăng cao. Đầu tháng 4/2025, tổng đàn heo 48.654 con, đạt 68,06% kế hoạch năm, tăng 10.628 con so cùng kỳ; đàn bò 21.392 con đạt 97,70% kế hoạch, tăng 4.430 con; đàn gia cầm 965.000 con, đạt 80,82% kế hoạch, tăng 132.000 con so với cùng kỳ. Thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm được 129.210 con/104 hộ; dịch tả heo châu Phi được 2.516 con heo/143 hộ…
Đồng chí Trần Việt Ngữ, cán bộ Thú y xã Hòa Tân cho biết: toàn xã có 1.758 hộ tham gia nuôi gia cầm (trên 60.000 con) và trên 1.000 con heo; ngoài ra, còn có 01 hộ nuôi gà gia công hơn 25.000 con. Đối với các hộ nuôi tập trung và trang trại đều thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Do phần lớn các hộ nuôi gà thả vườn và nuôi heo theo hộ gia đình (quy mô từ 03 - 05 con/hộ)… nên rất khó trong việc triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và dịch tả heo châu Phi; tỷ lệ đạt rất thấp. Thông qua “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 01 năm 2025”, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền cho người nuôi nâng cao ý thức về phòng, chống dịch bệnh cũng như tố chức sát khuẩn khu vực chăn nuôi và ngoài môi trường, nhằm hạn chế thấp nhất mầm bệnh (nếu có) lưu hành ra môi trường…
Đồng chí Thạch Thị Mỹ Hạnh, cán bộ Thú y xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: toàn xã có trên 29.000 con gia cầm, 3.490 con bò; trong đó, trên 95% là nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình (với 1.937 hộ tham gia chăn nuôi). Từ đó, công tác triển khai tiêm phòng theo hình thức xã hội hóa ở địa phương rất khó đạt theo kế hoạch; chỉ tập trung ở các trang trại hoặc hộ nuôi quy mô lớn.
Cũng theo đồng chí Lê Văn Đông, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi trong thời tiết nắng nóng, khô, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần lưu ý một số nội dung như sau: mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng; khi mua con giống mới, cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất từ 10 - 15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới thả vào đàn nuôi cũ. Hàng ngày, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ; thu dọn các chất thải (phân, nước tiểu,…) nhằm giảm sức nóng và khí độc từ các chất thải bốc lên; chuồng trại cần che chắn, tránh ánh nắng nóng chiếu trực tiếp vào đàn vật nuôi.
Song song đó, cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, không ôi thiu, nấm mốc, không nhiễm bẩn; thường xuyên bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra thể trạng đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm những bất thường (uể oải, ủ rũ, kém ăn,…) để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật theo đúng lịch trình phòng bệnh để tạo miễn dịch chủ động. Áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh chết ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm và làm phát tán dịch bệnh; định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Càng Long không chỉ là huyện được công nhận vùng an toàn khu, mà còn có 05 xã được công nhận xã an toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có xã Đại Phúc, huyện Càng Long. Phát huy truyền thống cách mạng, các địa phương quyết tâm thay đổi diện mạo nông thôn, đưa cuộc sống của người dân chuyển mình vươn lên mạnh mẽ từ đầu tư kết cấu hạ tầng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, gắn với những mô hình chuyển đổi kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống người dân.