24/08/2023 17:20
Hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững, vừa có giá trị kinh tế cao vừa mang lại lợi ích đối với sức khỏe người nông dân. Trường Đại học Trà Vinh đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ tại xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao thương hiệu gạo Việt. Đây là mô hình tương đối mới so với tập quán canh tác của nông dân. Tuy nhiên, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có chi phí thấp hơn nhưng chất lượng sản phẩm cao hơn và tăng lợi nhuận cho nông dân với năng suất ước đạt 07 tấn/ha.
Qua đó, giúp người dân làm quen với các yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Bảo vệ môi trường, sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh - quốc phòng.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản. Trong đó đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm chủ lực là lúa gạo.
Năm 2023, tỉnh Trà Vinh đề ra kế hoạch phát triển sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt giá trị 30.000 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so năm 2022. Mục tiêu quan trọng ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tập trung thực hiện là phát triển các lĩnh vực sản xuất theo hướng tiên tiến, nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo tính bền vững.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là sự phù hợp với xu hướng tất yếu trong sản xuất. Gần đây, Trường Đại học Trà Vinh đã tư vấn và triển khai, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả. Tại buổi tham quan mô hình trình diễn lúa OM18 được thực hiện trên diện tích 01ha vụ hè - thu; trà lúa này trĩu hạt, hạt lúa sáng, không sâu bệnh và không bị đổ ngã.
Sau khi thực địa cánh đồng lúa hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Chính (tại ấp Phú Khánh, xã Song Lộc) nhiều nông dân khen sự thành công của mô hình. Dễ thấy nhất, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa, hàng loạt diện tích lúa của nông dân bị đổ ngã. Tuy nhiên, đất canh tác lúa hữu cơ của gia đình ông Chính vẫn đứng thẳng tắp.
Theo ông Chính, đây là lần đầu tiên ông canh tác lúa hữu cơ với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình của Trường Đại học Trà Vinh. Tham gia mô hình ông được Trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ phân hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật hướng dẫn phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ. Vì vậy ruộng lúa của gia đình ông cứng cây, không bị đổ ngã.
Còn theo ông Lê Văn Tiền (ngụ ấp Lò Ngò, xã Song Lộc) cho biết: ông áp dụng mô hình canh tác lúa hữu cơ đã được 3 vụ, ước năng suất vụ này đạt khoảng 900kg/công (09 tấn/ha); cây lúa ít sâu bệnh, không đổ ngã.
Theo Tiến sĩ phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Trường Đại học Trà Vinh cho biết: quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Trường hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ từ lúc ngâm ủ hạt giống đến lúc thu hoạch.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thúy quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ có một số điểm khác biệt so với quy trình canh tác truyền thống như: cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa từ lúc ngâm ủ hạt giống nhằm giúp hạt lúa tăng cường chống phèn, mặn và tăng cường sức đề kháng; phối trộn giữa phân bón vô cơ và hữu cơ cho các lần bón phân nhằm làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và hạn chế đổ ngã; phun phân hữu cơ qua lá giai đoạn trước trỗ, sau trỗ và lúc lúa cong trái me giúp lúa vào chắc hiệu quả hơn và ứng dụng vi sinh vật nội sinh trong quản lý tuyến trùng và bệnh hại trên cây lúa.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thúy khuyến cáo phân hữu cơ phối trộn nên sử dụng các loại phân hữu cơ dạng nước có nguồn gốc từ cá, rong biển, đậu nành,… hoặc hữu cơ humic và vi sinh vật nội sinh nên là chủng vi khuẩn Bacillus.sp gram dương vì có thể sống tốt trong điều kiện bất lợi.
Kinh tế nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, duy trì phát triển được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cây lúa, cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản; diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, giúp nông dân tăng thu nhập.
Hiện toàn tỉnh có 1.114ha nuôi tôm thâm canh mật độ cao, cho năng suất bình quân 55 - 70 tấn/ha/vụ. Diện tích trồng trọt có khoảng 23.000ha ứng dụng các công nghệ cao như tưới phun, sử dụng nhà lưới, phương pháp thủy canh, các mô hình trồng lúa, trồng màu đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, giúp nông dân tăng thu nhập từ 15 - 20% so với phương pháp sản xuất bình thường.
Bài, ảnh: HOÀNG NAM
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.