17/10/2024 07:50
Ông Từ Ngọc Ngà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Công (bên phải) trao đổi kỹ thuật trồng ớt trong nhà lưới với cán bộ nông nghiệp xã Ngọc Biên.
Điển hình như HTX nông nghiệp Thành Công, huyện Trà Cú thành lập năm 2014, hiện có 54 thành viên chuyên trồng ớt chỉ thiên trong nhà lưới để xuất khẩu sang thị trường châu Âu trên diện tích 2,6ha.
Ông Từ Ngọc Ngà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Công cho biết, trước đây, nông dân trồng ớt chủ yếu bán cho thương lái, tiêu thụ thị trường nội địa là chính. Vì vậy, dịch bệnh trên cây ớt, tình trạng "được mùa mất giá" thường xuyên xảy ra, khiến thu nhập của nông dân rất bấp bênh. Năm 2016, HTX ký kết được hợp đồng trồng ớt xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, với tập quán canh tác truyền thống, năng suất và chất lượng ớt thương phẩm đạt chưa cao. Vì thế, giá bao tiêu tối đa cũng chỉ 11.000 đồng/kg trong khi việc sản xuất cũng tuân thủ nhiều quy trình nghiêm ngặt. Không thấy rõ hiệu quả nên nông dân không mặn mà tham gia. Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng nhà lưới, cùng với việc ký kết được hợp đồng với đối tác châu Âu, HTX bắt đầu trồng thí điểm ớt chỉ thiên trong nhà lưới để xuất khẩu sang thị trường này.
Kết quả, ớt chỉ thiên trồng trong nhà lưới khá nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, giảm đáng kể chi phí nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; năng suất cao hơn khoảng 35 - 40% so với ngoài mô hình, chất lượng ớt thương phẩm cũng cao hơn rõ rệt. Giá bao tiêu khá cao nên sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận 100 triệu đồng/công/năm (01 công = 1.000m2), gấp nhiều lần so với cách canh tác truyền thống trước đây. Thấy rõ hiệu quả, đến nay, HTX đã mở rộng diện tích lên 2,6ha trồng ớt chỉ thiên trong nhà lưới; bao tiêu đầu ra cho thành viên với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn 38.000 đồng/kg so với giá thị trường hiện nay.
Ông Từ Ngọc Ngà cho biết, từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu hơn 100 tấn ớt chỉ thiên, mang về doanh thu trên 05 tỷ đồng. Hiện HTX đang mở rộng thêm diện tích sản xuất 1,2ha ở xã Ngọc Biên; đồng thời liên kết với nông dân trồng ớt chỉ thiên ở các xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, Đông Hải, Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải để xây dựng vùng trồng mới. Theo đó, nông dân tham gia liên kết được HTX cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu và bao tiêu đầu ra với giá luôn cao hơn giá thị trường. Theo kế hoạch, năm 2025, HTX sẽ trồng thêm rau màu trong nhà lưới để xuất khẩu.
HTX nông nghiệp thương mại và sản xuất, dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) thành lập năm 2019, hiện có 50 thành viên sản xuất 510ha và cũng luôn chú trọng việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ông Trần Quốc Hào, Phó Giám đốc HTX cho rằng, muốn tăng năng suất, giảm chi phí thì phải đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên, tạo nên những bước tiến đột phá cho HTX.
Hiện HTX sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa và sử dụng phân vi sinh cùng quy trình sản xuất "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng" giúp tiết kiệm nhiều chi phí phân bón, công lao động. Năng suất đạt gần 07 tấn/ha, tăng gần 03 tấn/ha nên lợi nhuận thành viên tăng đáng kể so với phương pháp sản xuất truyền thống. Đồng thời, HTX đã triển khai mô hình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" tại xã Long Hòa và Hòa Minh với tổng diện tích gần 50ha, thu hút 52 hộ nông dân.
Mô hình đã thay đổi dần nhận thức, tập quán sản xuất lúa của nông dân, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Trong quá trình sản xuất, HTX đã đầu tư 05 máy bay nông nghiệp không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Việc này không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn giúp bảo vệ sức khỏe nông dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, địa phương hiện có gần 30.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó gần 10.000ha sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động, gần 13 ha ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trà Vinh tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Các mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm từ 10 - 15%, năng suất tăng từ 10 - 20%, lợi nhuận tăng từ 15- 20% so với tập quán sản xuất cũ.
Năm 2024, tỉnh Trà Vinh bố trí trên 86 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; trong đó có nhiều hỗ trợ đối với nông dân, HTX sản xuất nông sản an toàn, sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Đơn cử như nông dân đầu tư, xây dựng nhà lưới để trồng rau an toàn được hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/nhà lưới hở và 100 triệu đồng/nhà lưới kín đối với diện tích 1.000m2.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh Thái Phước Lộc, tỉnh hiện có 164 HTX và 01 Liên hiệp HTX đang hoạt động; trong đó có 123 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất của các HTX rất lớn, song việc ứng dụng khoa học công nghệ ở khu vực kinh tế tập thể vẫn còn nhiều hạn chế. Trở ngại lớn nhất là thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác, nhà xưởng để phát triển sản xuất. Cùng với đó, trình độ tiếp nhận công nghệ, tiếp cận chính sách và các yếu tố đảm bảo môi trường sản xuất cũng là nguyên nhân chính cản trở việc đổi mới công nghệ.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp; trong đó, ưu tiên ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 30 HTX nông nghiệp ứng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.