09/07/2022 13:38
Bài 2: Xây dựng đời sống dân sinh vùng nông thôn ổn định, bền vững
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt; cùng với đó làm cho triều cường dâng cao và tại một số khu vực bị khô hạn, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức, làm cho hụt tầng nước, mặn xâm nhập… đời sống của người dân vùng nông thôn gặp khó khăn. Cùng với đó tình trạng sạt lở đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại các cửa sông lớn, ven biển… như khu vực cù lao Tân Qui (huyện Cầu Kè), Cồn Hô (xã Đức Mỹ) huyện Càng Long, Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải), kênh Tổng Long, vàm Trà Cú (huyện Trà Cú)…
Phát triển đường ống dẫn nước phục vụ cho người sử dụng nước sạch ở xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang.
Đối với Trà Vinh, một số tác động của BĐKH về ảnh hưởng đời sống dân sinh vùng nông thôn như vùng ven biển của thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú... sử dụng nguồn nước tầng ngầm (giếng khoan) lúc cao điểm (từ tháng Giêng đến tháng 5, tháng 6 hàng năm) không bơm được, một số giếng khoan ngừng sử dụng không trán lắp bị ô nhiễm, nước sạch khan hiếm... “Đồng hành” cùng Quỹ Phòng tránh thiên tai miền Trung (nay là Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai) đã tích cực hỗ trợ người dân nông thôn ở Trà Vinh nói riêng và tại các tỉnh bị ảnh hưởng BĐKH, đặc biệt là nước sạch sinh hoạt và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh thiên tai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: được hỗ trợ của nguồn Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai hỗ trợ cho Trà Vinh nhiều hạng mục, như công trình trạm nước; cung cấp bồn, lu chứa nước… Trong đó, có trạm cấp nước cồn An Lộc (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè), Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang), Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải)... qua đó, Trung tâm đối ứng nguồn vốn để triển khai và góp phần vào việc đảm bảo nguồn cung nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, một cách hiệu quả nhất.
Hộ bà Trần Thị Dân, ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: hiện nay do mặn thường xuyên xâm nhập vào các tuyến rạch trong cồn, việc sử dụng nước sông bị ô nhiễm. Từ trước đến nay, người dân ở cồn chủ yếu sử dụng nguồn nước bơm trực tiếp từ Sông Hậu lên bể hoặc lu và xử lý phèn chua để lắng lọc lại. Cuối tháng 12/2020, trạm cấp nước sạch của An Lộc hoàn thành và đi vào vận hành; gia đình đã tiếp cận được nguồn nước máy và vận động các hộ xung quanh để sử dụng nước máy của trạm.
Ông Thạch Hiệp, ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết: trước đây người dân ở khu vực triền giồng của xã việc sử dụng nguồn nước giếng khoan là chính. Nhưng từ hơn 05 năm nay, tầng nước ngầm bị tụt nên các giếng khoan gặp khó khi bơm tát lúc cao điểm; nguyên nhân do ngày càng nhiều người dùng giếng khoan trong trồng màu và nuôi thủy sản; cùng với đó là nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm do môi trường, thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp… Việc triển khai đầu tư trạm cấp nước sạch hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho người dân nông thôn sử dụng, bảo vệ sức khỏe và phòng tránh BĐKH gây ra.
Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: đối với địa phương có nhiều cụm dân cư nằm ven biển và vùng triền giồng, giồng cát… nên trước tình trạng BĐKH đã tác động tiêu cực đến với đời sống dân sinh của người dân vùng nông thôn rất lớn. Trong đó, việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt luôn được UBND huyện và ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến; triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ các trạm cấp nước luôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí về môi trường trong XDNTM mà huyện đang tiến tới xây dựng huyện đạt NTM vào cuối năm 2022.
Cuối năm 2021, hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 99,8%, vượt 0,71% kế hoạch (trong đó, sử dụng nước sạch 75,21%, vượt 5,93%). Hiện toàn tỉnh có 121 trạm cấp nước với 160.988 hộ sử dụng nước máy do Trung tâm quản lý; riêng trong 06 tháng đầu năm 2022 phát triển mới 6.951 hộ, đạt 115,85% so với kế hoạch giao. Đối với khu vực cồn, cù lao đã xây dựng 100% có trạm cấp nước sạch như cồn An Lộc, cù lao Tân Qui (huyện Cầu Kè); Cồn Cò, xã Hưng Mỹ, Cồn Phụng, xã Long Hòa, Cồn Chim, xã Hòa Minh (huyện Châu Thành).
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn cho tỉnh thực hiện 05 dự án, trong đó có Dự án hạ tầng “Hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé” đảm bảo an ninh nguồn nước các huyện Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh, quy mô đầu tư kè dài 13.225m... tổng mức đầu tư 2.864 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.