04/12/2020 08:29
(TVO) Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ nay đến cuối năm, ngành đặt mục tiêu phát triển thêm 13 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các địa phương củng cố các HTX nông nghiệp đang hoạt động; phấn đấu đến cuối năm 2020, có trên 50% HTX hoạt động hiệu quả, mỗi huyện có ít nhất 01 HTX kiểu mới.
Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan thắt chặt các mối liên kết, hỗ trợ HTX xây dựng phương án kinh doanh, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm đảm bảo tính khả thi, tăng cường liên kết với ngành chức năng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… ưu tiên lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh từng vùng, từng HTX, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ…
Bên cạnh đó, ngành chú trọng các hoạt động nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho HTX, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, đưa cán bộ trẻ có trình độ về hỗ trợ cho các hợp HTX nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Liên minh HTX, các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, hỗ trợ xúc tiến thương mại và khoa học- công nghệ.
Đặc biệt, HTX nông nghiệp trong tỉnh có dự án đầu tư khả khi, đủ năng lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, với mức vay tối đa lên đến 600 triệu đồng/dự án. Từ khi thành lập tháng 11/2015 đến nay, tỉnh đã giải ngân tổng số tiền hơn 12,4 tỷ đồng thực hiện 26 dự án giúp các HTX đổi mới công nghệ sản xuất.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện có 132 HTX nông nghiệp, tổng diện tích đất tham gia hợp tác sản xuất khoảng 2.600ha, với 8.150 thành viên, vốn điều lệ 85 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian qua, đa phần hoạt động không hiệu quả; trong đó 12 HTX đang làm thủ tục giải thể.
Nguyên nhân là hầu hết các HTX nông nghiệp chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún với phương thức nông hộ, sản phẩm dưới dạng sơ chế, không nhãn hiệu, ít có sự liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Cùng với đó là những khó khăn do hạn chế về năng lực tài chính, khả năng quản lý, khoa học- công nghệ, thị trường tiêu thụ…
THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.