27/02/2022 08:02
Bà Lê Thị Hồng Gấm (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Trường khảo sát rẫy màu của bà Thạch Thị Sâm Nang.
Từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp Hội trong phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cùng với các chính sách ưu đãi và sự quan tâm chia sẻ, kịp thời giúp nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Thạch Thị Sâm Nang, ấp Là Ca A, xã Nhị Trường đã vươn lên thoát nghèo.
Bà Nang cho biết: trước đây gia đình thuộc hộ nghèo, chồng làm phụ hồ thu nhập 250.000 đồng/ngày, còn bà ở nhà trồng đậu bún, khổ qua luân canh 03 - 04 vụ/năm/1.500m2, nếu được giá thì lợi nhuận 06 triệu đồng/1.000m2/vụ. Thời gian sản xuất, được Hội LHPN xã hỗ trợ vốn vay 15 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện bà tiếp tục đầu tư trồng trọt và mua thêm 01 bê cái về nuôi. Trong năm 2021, gia đình bà được Hội hỗ trợ vốn vay mới thoát nghèo thêm 50 triệu đồng vào sản xuất và cất nhà mới kiên cố hơn. Vụ màu mùa khô năm nay ngoài diện tích trên, bà thuê thêm 2.000m2 đất lúa của người dân trong ấp để trồng đậu bún nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Thông qua Hội LHPN xã, gia đình bà Thạch Thị Vững, ngụ cùng ấp được tiếp cận vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đầu tư nuôi bò bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. Theo bà Vững, nhiều năm trước, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất 03 vụ lúa/năm trên diện tích 0,8ha, thu nhập bấp bênh, mỗi vụ thu hoạch, bà dành một ít lúa để ăn, số còn lại bán lấy tiền trả phân, thuốc. Còn phụ phẩm rơm rạ sau thu hoạch cho một số người dân trong xóm trồng hoa màu. Sau thời gian tính toán, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản, tuy vốn đầu tư con giống cao nhưng nhẹ chi phí chăm sóc. Thời gian nuôi dài, hơn 01 năm bò sinh sản, khoảng 06 - 08 tháng sau xuất bán. Lợi thế việc nuôi bò chủ yếu lấy công làm lời, thời điểm bò giảm giá có thể nuôi sang vài tháng sau xuất bán. Đến nay, đàn bò của gia đình từ con bò mẹ ban đầu nay đã có 06 con, vừa qua bà bán 01 con bò để có tiền trang trải cuộc sống và mua phân, thuốc bảo vệ thực vật để trồng lúa.
Bà Lê Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Trường cho biết: bám sát các hoạt động phát triển kinh tế trọng điểm của Hội cấp trên, năm qua, Hội vận động hội viên, phụ nữ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế. Thực hiện kế hoạch chuyên đề hỗ trợ phụ nữ nghèo, Hội chỉ đạo chi hội hỗ trợ từ 01 - 02 hộ nghèo/ấp do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Trong năm, các chi hội đã hỗ trợ 05 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được vay vốn số tiền 250 triệu đồng và giúp 03 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều và tiêu biểu trong cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay của hội viên, phụ nữ, trong năm Hội phối hợp Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển Trà Vinh giải ngân gần 03 tỷ đồng cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, nâng tổng dư nợ đến nay trên 13,2 tỷ đồng, giúp 600 lượt chị vay phát triển trồng trọt và chăn nuôi, tăng 10% so với tổng số vốn cuối năm 2020; hỗ trợ 42 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ đủ điều kiện vay vốn với số tiền trên 1,4 tỷ đồng; tổ chức 15 cuộc tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp hội viên có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển mới 03 tổ hùn vốn xoay vòng với 30 thành viên, nâng tổng số đến nay có 05 tổ hùn vốn với số tiền gần 97 triệu đồng cho 21 chị mượn nhằm tạo sinh kế trong sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình. Đồng thời, vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm với các hình thức như: gửi tiết kiệm Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển Trà Vinh, hùn vốn, tổ tiết kiệm nuôi heo đất, gửi tiết kiệm Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đến nay có 798/1.290 hội viên, phụ nữ tham gia gửi tiết kiệm. Ngoài ra, hỗ trợ 01 hội viên phụ nữ nghèo khởi nghiệp vay vốn mua bán, với số tiền 30 triệu đồng; tổ chức đào tạo nghề đan giỏ lục bình, đan cối se, qua đó giúp 46 thành viên có việc làm, tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, Hội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phụ nữ giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục phát động cuộc vận động giúp nhau làm kinh tế gia đình, tiết kiệm, tích lũy, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.