09/09/2022 07:20
Để sản phẩm sau khi được công nhận thương hiệu, đáp ứng về nguồn cung ổn định, đảm bảo quy mô diện tích và chất lượng trong từng sản phẩm. Đặc biệt sự vào cuộc của vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu, thông qua hợp tác xã (HTX) để hướng người nông dân vào chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu nhằm đem lại giá trị cao cho hương hiệu với tính ổn định, bền vững…
Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX Châu Hưng (thứ 2, phải sang) trao đổi với đoàn công tác của tỉnh và huyện Châu Thành về mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm.
Giá trị sản phẩm nâng cao qua thương hiệu
Tính đến cuối tháng 7/2022, trên các lĩnh vực lúa, cây ăn trái, rau quả củ, thủy sản trong tỉnh có 45 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu. Trong đó, có một số nhãn hiệu mang tính tập thể về cây ăn trái và thủy sản khá nổi tiếng như măng cụt Tân Qui, chôm chôm Tân Qui, dừa sáp Cầu Kè, quýt đường Long Trị, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh, tôm khô Vinh Kim…
Tại một số địa phương, thông qua vai trò kinh tế tập thể đã phát huy được thương hiệu sản phẩm, góp phần làm lan tỏa sản phẩm đến với thị trường. Điển hình như huyện Châu Thành, năm 2011 chỉ có 04 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Thạch Chiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành: với việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh; hỗ trợ củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, nhất là các HTX tham gia thí điểm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21/3/2016 của của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, trên địa bàn huyện có 18 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo Luật Hợp tác xã năm 2012).
Đặc biệt là huyện Châu Thành có nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của mình như: HTX sản xuất cung ứng lúa giống 9 Táo (xã Song Lộc), HTX nông nghiệp Xuân Thành (xã Lương Hòa), HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ), HTX Tiến Thành (xã Long Hòa)… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất của từng HTX có sản phẩm được công nhận thương hiệu.
Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, xã Hưng Mỹ phấn khởi cho biết: sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa gạo hữu cơ “Hạt ngọc Châu Long”. Nhờ thương hiệu đã giúp cho khách hàng biết đến HTX và sản phẩm của mình; riêng trong năm 2022, HTX đã được các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia ký kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, được hơn 200ha về gạo hữu cơ, giúp cho HTX nâng cao giá trị sản phẩm hạt lúa làm ra của xã viên, tăng lợi nhuận.
Xây dựng chuỗi liên kết
Để phát triển và đưa thương hiệu vào thị trường cần đảm bảo được tính ổn định về sản lượng, quy mô… đòi hỏi việc sản xuất không chỉ dừng lại ở mô hình kinh tế hộ hay cơ sở mà cần có tính cộng đồng trong hình thành gắn kết chuỗi sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ với hộ, cơ sở với cơ sở hay trong từng thành viên làng nghề với nhau…
Thông qua vai trò kinh tế tập thể như HTX, liên hiệp HTX đối với sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu để mỗi người cùng thụ hưởng về giá trị thương hiệu (thương hiệu tập thể; thương hiệu về sản phẩm đặc sản của địa phương…) để cùng tham gia xây dựng chiến lược đưa thương hiệu chung phát triển mạnh, ổn định (vùng nguyên liệu, sản lượng, chất lượng…). Qua đó, tránh tình trạng sau khi sản phẩm đã có thương hiệu và được thị trường tín nhiệm; nhưng không đủ sản phẩm đưa ra ngoài thị trường, làm cho thương hiệu sản phẩm dần “chết yểu”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: đối với huyện có thương hiệu “Tôm khô Vinh Kim” rất nổi tiếng; tuy nhiên, trong quá trình phát triển do đặc sản mang tính đặc thù của vùng đất (tép bạc đất) được khai thác tự nhiên tại các ao, vuông nuôi vùng nước lợ. Trong thời gian dài, các thành viên trong HTX không có điều kiện về diện tích nuôi nhử tép bạc đất làm nguyên liệu ổn định cho thương hiệu “Tôm khô Vinh Kim”, nên đã giảm sản lượng trên 90%. Trong khi tại các vùng sản xuất khác (ngoài địa phương Vinh Kim) có điều kiện hơn, thì không có thành viên HTX, nên khó liên kết về nguồn nguyên liệu. Hiện nay, sản phẩm không đủ cung ứng ra thị trường và đang dần thu hẹp, không phát triển mở rộng…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đối với sản phẩm cây ăn trái, hiện huyện Cầu Kè có 03 sản phẩm được công nhận thương hiệu là dừa sáp Cầu Kè, măng cụt Tân Qui, chôm chôm Tân Qui. Qua trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: để phát triển các sản phẩm trái cây đã công nhận thương hiệu, đòi hỏi các nhà vườn phải có sự đồng thuận cao trong việc ổn định, khôi phục sản xuất nhằm đảm bảo về diện tích, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm… Khi đó, vai trò kinh tế tập thể mà cụ thể là các HTX, tổ hợp tác sẽ liên kết, tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm mang tính bền vững (diện tích, sản lượng…); các nhà vườn cũng chính là thành viên HTX cùng tham gia vào để quảng bá, đưa thương hiệu sản phẩm vào thị trường.
Xây dựng thương hiệu
Đối với thương hiệu chôm chôm Tân Qui hiện diện tích giảm rất nhiều do ảnh hưởng của mặn xâm nhập những năm 2016 - 2017. Qua đó, nhiều diện tích chôm chôm bị chết, nhà vườn phải đốn bỏ. Hiện địa phương cũng đang vận động nhà vườn Tân Qui, nhất là thành viên HTX để khôi phục và trồng mới lại diện tích cây chôm chôm, góp phần ổn định lại diện tích, duy trì sản lượng cho thương hiệu chôm chôm Tân Qui.
Riêng cây dừa sáp và măng cụt, nhìn chung nhà vườn Cầu Kè còn duy trì và phát triển khá tốt diện tích ở cây trồng này với quy mô rất lớn. Trong này có mô hình HTX dừa sáp Hòa Tân (xã Hòa Tân) và HTX Tân Qui (xã An Phú Tân) với nhiều thành viên tham gia trồng, duy trì thương hiệu dừa sáp Cầu Kè và măng cụt Tân Qui đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Có thể nói, liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu thụ thành chuỗi khép kín là rất quan trọng, quyết định đến giá thành, sự tồn tại của sản phẩm. Việc Liên minh HTX Trà Vinh đang phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai hỗ trợ các HTX hình thành chuỗi liên kết là hướng đi đúng. Kết quả là, người sản xuất không phải lo đầu ra, HTX có đầu mối tiêu thụ ổn định, các siêu thị luôn có nguồn hàng đảm bảo, nhà quản lý và người dân thì không phải lo... giải cứu, tất cả các bên đều có lợi.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2024, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã ghi dấu ấn với những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Bằng sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã đã vượt qua nhiều thách thức, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực.