17/12/2020 08:42
Phun thuốc chăm sóc vườn thanh long của ông Huỳnh Văn Thắng, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh.
Trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải kể đến nông dân Huỳnh Văn Thắng, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng 2.700 gốc thanh long với 2,25ha, ông trồng 120 gốc/1.000m2. Theo ông Thắng, 05 năm trước nhận thấy người dân các ấp lân cận trồng thanh long ruột đỏ đem lại thu nhập cao nên ông triển khai thực hiện chuyển đổi đất lúa gần 0,5ha sang trồng thanh long. Ban đầu ông tìm đến các hộ trồng hiệu quả học hỏi kinh nghiệm và phương pháp trồng. Sau khi thu hoạch vụ đầu ông nhận thấy thanh long cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, từ đó ông chuyển đổi hết diện tích đất lúa sang trồng thanh long cho đến nay, thu nhập bình quân đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Chương, ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa thu nhập thấp sang trồng thanh long, bưởi da xanh đem lại hiệu quả cao, tổng thu nhập 60 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái lợi nhuận cao gấp 10 lần. Với 120 trụ thanh long trồng trên diện tích 0,1ha hiện đang cho thu hoạch, bình quân thu hoạch 03 đợt/năm, giá bán bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg, lợi nhuận 01 - 1,2 triệu đồng/trụ thanh long. Từ đầu năm 2020 đến nay, thanh long ra trái bao nhiêu ông thu hoạch bán bấy nhiêu, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến nay ông chong đèn chọn trái đạt chất lượng để bán vào dịp Tết.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Thạnh, hiện xã có 355 hộ chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long với diện tích gần 100ha, tập trung rải rác ở 10 ấp, trong đó nhiều nhất ở các ấp Thiện Chánh, Đầu Giồng, Nguyệt Trường, Phú Thạnh. Hộ ít nhất trồng 0,1 - 0,3ha, hộ nhiều nhất từ 01 - 02ha. Trồng thanh long chỉ tốn chi phí ban đầu về trụ và giống, chi phí thường xuyên thì rất ít như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện, không tốn nhiều công chăm sóc, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình chuyển đổi hiệu quả cần nhân rộng. Trong lộ trình XDNTM và hướng đến XDNTM nâng cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập cho ND là trách nhiệm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã Phương Thạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Xác định vai trò của Hội ND trong XDNTM, thời gian qua, các cấp Hội ND trong tỉnh tích cực, chủ động tuyên truyền vận động hội viên ND tham gia phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, HTX nhằm từng bước đưa kinh tế tập thể phát triển. Mô hình kinh tế hợp tác là bước khởi điểm cho kinh tế tập thể phát triển, vì vậy, 05 năm gần đây, các cấp Hội trong tỉnh tổ chức 51.202 cuộc tuyên truyền, tập huấn những kiến thức cơ bản làm cơ sở để hình thành mô hình kinh tế hợp tác, HTX với hơn 01 triệu lượt người tham dự, từ đó hình thành 117 mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hướng tới xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, HTX. Qua đó, giúp ND thay đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.159 THT nông nghiệp - thủy sản với hơn 41.406 thành viên tham gia và 119 HTX nông nghiệp, trong đó có 849 THT, HTX với 16.829 thành viên do các cấp Hội ND trực tiếp thành lập và quản lý. Một số THT, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả do cán bộ, hội viên ND làm nòng cốt trong tổ chức và hoạt động như THT trái cây tạo hình (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè), HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ (xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang); HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, HTX trồng màu Đông Hải (huyện Duyên Hải), HTX hoa kiểng (Phường 4, thành phố Trà Vinh),... chính từ các hoạt động của các tổ kinh tế hợp tác, HTX đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế hộ ở địa phương, giải quyết một phần lao động nhàn rỗi của hội viên ND và Nhân dân, cải thiện cuộc sống, góp phần hoàn thành XDNTM.
Sự hình thành và phát triển của THT và HTX đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong hội viên, ND cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình qua hình thức hùn vốn, giống cây, con giống để cùng nhau sản xuất thành các loại sản phẩm có chất lượng tương đối nhằm tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo giá thỏa thuận với phương châm “đôi bên cùng có lợi”. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên ND tổ chức sản xuất tập trung, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho các hộ có nhu cầu thuê lại đất để tổ chức sản xuất và tạo điều kiện giúp hội viên ND tiếp cận vốn vay để sản xuất.
Tuy hoạt động của một số THT, HTX thiếu ổn định, chưa liên kết được một số khâu trọng tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do một phần năng lực tài chính còn yếu, năng lực quản lý hoạt động tổ kinh tế hợp tác, HTX còn hạn chế nên khả năng cạnh tranh thấp. Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan khắc phục một số yếu kém trong sản xuất cá thể, như nhu cầu vay vốn để đầu tư công cụ sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ theo từng quy trình sản xuất của từng loại cây, con. Qua đó từng bước tạo ra những mô hình sản xuất năng động hơn, phù hợp với từng tiểu vùng, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển góp phần giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.