21/06/2022 12:50
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội cơ sở khảo sát nắm tình hình đời sống, việc làm nhu cầu vốn của hội viên, phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ làm chủ hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện và khả năng. Trong những giải pháp hỗ trợ, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là kênh quan trọng, là điều kiện giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững” - Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, thoát nghèo. Đến cuối tháng 5/2022, dư nợ trong hệ thống Hội hơn 1.486,13 tỷ đồng, với khoảng 56.050 hộ còn dư nợ, 1.306 tổ tín dụng quản lý vốn của Ngân hàng CSXH do Hội LHPN quản lý. Phải khẳng định rằng, vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội nhận ủy thác đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống cho phụ nữ.
Từ các nội dung ký kết với Ngân hàng CSXH, Hội LHPN tỉnh triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng; hướng dẫn cho chi, tổ Hội, tổ tiết kiệm - vay vốn sử dụng vốn ủy thác ngày càng hiệu quả, hiện 100% huyện, thị xã, thành phố quản lý tốt nguồn vốn, tỷ lệ nợ quá hạn không quá 02%; thông qua vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, các mô hình tổ phụ nữ vay vốn sử dụng vốn vào nuôi bò sinh sản, trồng rau trong nhà lưới… thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm/hộ hội viên.
Bà Võ Thị Diễm Phúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hải, huyện Duyên Hải chia sẻ: nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đóng vai trò quan trọng, giúp hội viên phát triển kinh tế. Hiện Hội LHPN xã Đông Hải quản lý nguồn vốn này hơn 15,5 tỷ đồng, với 18 tổ quản lý vay vốn, 680 hội viên còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn, nhiều chị thoát nghèo, vươn lên khá.
Chị Trương Thị Cúc, ngụ ấp Phước Thiện là một minh chứng. Lần đầu tiên, chị Cúc được Hội LHPN xã tín chấp, chị vay 20 triệu đồng để nuôi dê; sau vài lần đáo hạn, đàn dê phát triển, nay chị Cúc có đàn dê gần 50 con. Tương tự, chị Nguyễn Thị Yến, ngụ ấp Đông Thành, sau khi chồng chị được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ 02 con dê. Quá trình nuôi hiệu quả, chị Yến được Hội LHPN xã tín chấp cho vay 30 triệu đồng để phát triển đàn dê, nay chị Yến sở hữu đàn dê gần 40 con.
Chị Lê Thị Trắng (trái) giới thiệu với bà Nguyễn Thị Thương (phải) và bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Tổ trưởng Tổ vay vốn Ngân hàng CSXH ấp Sơn Trắng về giống cỏ trồng làm thức ăn cho bò.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Trắng, sinh năm 1975, ngụ ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long. Trước năm 2016, gia đình gặp nhiều khó khăn, 0,4ha ruộng của gia đình phải cầm cố để nuôi con đi học… Tưởng cuộc sống gia đình bế tắc, sau đó chị được Hội LHPN xã tín chấp giới thiệu vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng để sản xuất và 10 triệu đồng làm hố xí hợp vệ sinh. Sau khi nhận vốn, chị mua 02 con bê, sau hơn 02 năm nuôi, nay bò của chị Trắng chuẩn bị sinh bê con, giá trị 02 con bò hiện hơn 50 triệu đồng; số tiền còn lại, chị chuộc lại một phần đất đã cầm cố, đầu tư trồng cam sành, thuê đất trồng lác… năm 2021, tổng thu nhập của gia đình chị hơn 100 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Long Phú, toàn xã có 1.380 hội viên; có 05 tổ vay vốn của Ngân hàng CSXH, dư nợ khoảng 05 tỷ đồng. Nhị Long Phú là một trong những đơn vị không có nợ quá hạn từ nhiều năm; hội viên được nhận vốn, đều xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả; trả vốn đúng hạn. Hội LHPN xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Hội phụ nữ các cấp với Ngân hàng CSXH, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về triển khai thực hiện quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách; kịp thời phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát nắm nhu cầu vay vốn hỗ trợ sản xuất, nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; kinh tế từng bước phục hồi, triển khai các chương trình cho vay: sửa chữa nhà, học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập, tiếp tục phát huy hiệu quả của tổ tiết kiệm vay vốn, tích cực vận động hộ vay gửi tiết kiệm, kịp thời giải ngân vốn mới, vốn quay vòng góp phần tăng trưởng dư nợ vốn vay Ngân hàng CSXH do Hội LHPN tỉnh quản lý.
Theo bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo Hội cơ sở thực hiện rà soát xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng. Tổ chức phân bổ vốn đến các địa phương kịp thời. Kiến nghị đến UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo Ban Nhân dân ấp, khóm kết hợp chặt chẽ với tổ tiết kiệm vay vốn của Hội bình xét cho vay công khai, dân chủ; qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đúng đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời, Hội Phụ nữ theo dõi giúp đỡ hội viên sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đầy đủ đúng hạn, tích cực tham gia xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.