22/03/2023 08:34
Chị Thạch Thị Kiều Oanh chăm sóc cam sành.
Đồng chí Dương Văn Khén, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cầu Kè cho biết, năm 2022, thông qua nguồn vốn chính sách, giúp huyện triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; chính sách đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn hiệu quả; giải quyết việc làm mới 3.788 lao động (đạt 108,2% so với nghị quyết), đưa 121 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 110% so với nghị quyết); hỗ trợ xây dựng 78 căn nhà (kinh phí 3,9 tỷ đồng) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Năm 2022, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của người lao động, hộ gia đình và hoạt động của NHCSXH huyện, nhưng nhờ chủ động bám sát các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện... NHCSXH phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Đặng Ngọc Cất, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ân cho biết: năm 2022, nguồn vốn chính sách của NHCSXH huyện đã giúp Đảng bộ, Nhân dân xã Hòa Ân hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 02%... Nhiều hộ hội viên đoàn thể đã làm giàu, vườn lên từ nguồn vốn này...
Theo bà Thạch Thị Kiều Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thông Thảo, xã Hòa Ân: Chi hội đang quản lý 01 tổ tiết kiệm vay vốn, gần 1,5 tỷ đồng, có 58 thành viên tham gia. Riêng tôi, được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi 80 triệu đồng để nuôi bò, hiện đàn bò của chị có 08 con, chị vừa bán 01 con để đầu tư trồng 2.000m2 cam sành, nay đã được gần 07 tháng. Dự kiến năm sau, cam cho trái chiếng, sẽ thu hoạch và trả bớt vốn.
Đồng chí Dương Văn Khén cho biết thêm: tổng nguồn vốn hoạt động đến ngày 31/12/2022 đạt 412,405 tỷ đồng, tăng 72,916 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương hơn 347 tỷ đồng, chiếm 84,14%/tổng nguồn vốn; vốn huy động tại địa phương 35,899 tỷ đồng (vốn huy động từ tổ chức cá nhân 19,578 tỷ đồng, tăng 1,606 tỷ đồng; huy động từ tổ tiết kiệm và vay vốn 16,321 tỷ đồng); vốn từ ngân sách tỉnh, huyện, xã chuyển sang 29,503 tỷ đồng, tăng 10,078 tỷ đồng (ngân sách huyện, xã 8,354 tỷ đồng, tăng 2,091 tỷ đồng).
Theo đó, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2022 là 122,933 tỷ đồng, có 4.290 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Tổng dư nợ đạt 409,514 tỷ đồng, tăng 65,01 tỷ đồng (tăng 18,87%) so với năm 2021; tổng số hộ còn dư nợ 14.793 hộ, dư nợ bình quân 27,68 triệu đồng/hộ.
Đáng chú ý, cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH phối hợp với UBND xã, thị trấn, hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện cho vay đến ngày 31/12/2022 đạt 20,130 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Trong đó, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 19,130 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; cho vay học sinh, sinh viên mua máy vi tính thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 320 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch; cho vay xây dựng nhà ở... 600 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch; cho vay cơ sở mầm non ngoài công lập trả lương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 80 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch.
Hiện toàn huyện có 326 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 67/67 ấp, khóm. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến 31/12/2022 là 404,639 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng dư nợ trên địa bàn huyện. Trong đó, Hội Nông dân 142,933 tỷ đồng; Hội Phụ nữ 138,160 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 76,433 tỷ đồng và Đoàn thanh niên 47,113 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn không ngừng củng cố, có 293 tổ tốt chiếm 89,9%; 31 tổ khá, chiếm 9,5%; 02 tổ trung bình, chiếm 0,6%.
Đồng chí Dương Văn Khén khẳng định: phát huy kết quả đạt được năm 2022, năm 2023, năm bản lề thực hiện kế hoạch 05 năm 2021 - 2025, NHCSXH Cầu Kè tập trung tham mưu UBND thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt để chủ động về nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch tín dụng năm 2023 nhằm góp phần thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và kịp thời hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo quy định đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng; quyết tâm giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.