05/02/2021 05:00
Nhờ có nguồn vốn chính sách xã hội, gia đình ông Thạch My thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản cho thu nhập ổn định.
Tăng cường đưa nguồn vốn đến với Nhân dân
Xã Đa Lộc, huyện Châu Thành đồng bào Khmer chiếm gần 80% dân số, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Châu Thành là “cứu cánh”, giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ chính sách trên địa bàn xã có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, đầu tư cho học sinh, sinh viên vay học tập… tạo điều kiện để nhiều hộ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên. Nếu như năm 2016, toàn xã có 913 hộ nghèo, chiếm trên 26%, hiện toàn xã chỉ còn 324 hộ nghèo, chiếm gần 09%, xã đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Ông Thạch My, ngụ ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo, vừa qua được Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành cho vay 40 triệu đồng, tôi đầu tư mua 02 con bò nuôi sinh sản. Nhờ Hội Nông dân xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, nhất là kỹ thuật chăn nuôi bò, nên gia đình tôi áp dụng thành công mô hình nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập thêm khoảng 30 triệu đồng từ mô hình này. Ngoài thực hiện nuôi bò sinh sản, tôi cũng đi làm thêm, như làm phụ hồ, làm vườn,… nhờ được vay vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống, giờ đây cuộc sống gia đình ổn định, gia đình tôi đã xin thoát nghèo.
Ông Lâm Trần Quân, Bí thư Chi bộ ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: nhờ lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã quan tâm chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp tốt với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đầu tư cho Nhân dân vay vốn phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân trong ấp được cải thiện.
Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc, ông Thạch Khởi Nghĩa cho biết: xác định kinh tế của xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt... Do đó, nhiệm vụ trọng tâm là “đồng hành với người nghèo và các hộ gia đình chính sách khác trên mặt trận xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”. Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã luôn chủ động chỉ đạo các đoàn thể chính trị xã hội của xã xây dựng kế hoạch, triển khai nhanh chóng, đưa nguồn vốn tiếp cận với tất cả các hộ trong diện thụ hưởng thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Hiện toàn xã có 1.880 hộ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành, tổng số vốn vay trên 37,2 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Đảng ủy xã chỉ đạo các hội, đoàn thể được nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn những hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, tránh tình trạng cho vay vốn không đúng đối tượng, sử dụng vốn không đúng mục đích, gây lãng phí sự hỗ trợ của Nhà nước.
Quản lý tốt để sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Đề nguồn vốn đến với Nhân dân sử dụng hiệu quả, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Trà Vinh thành lập các điểm giao dịch tại các địa phương trong tỉnh, trong đó tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) được xem là “cầu nối” của Ngân hàng CSXH và là cầu nối của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách. Hiện Ngân hàng CSXH, Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được mạng lưới tổ TK-VV khắp các ấp, khóm trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh, hiện có 2.956 tổ TK-VV, 121.955 thành viên vay để phát triển kinh tế, tổng dư nợ cho vay trên 2.751 tỷ đồng.
Chị Sơn Thị Minh Hồng, Tổ trưởng Tổ TK-VV của Chi hội Phụ nữ ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần cho biết: tổ TK-VV thành lập năm 2003 với 48 thành viên, đa số là đồng bào Khmer. Trước kia khi thành lập tổ TK-VV, gần 100% thành viên của tổ đều là hộ nghèo. Nhờ được Chi hội Phụ nữ ấp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã tín chấp cùng với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiểu Cần cho các thành viên vay đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ… Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, qua thời gian thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đời sống của các thành viên của tổ đã được nâng lên, nhiều thành viên vươn lên làm giàu. Qua kết quả đánh giá các mô hình và rà soát hộ nghèo, hiện tổ TK-VV chỉ còn 02 hộ chưa thoát nghèo. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Ban Quản lý tổ TK-VV của Chi hội Phụ nữ ấp tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng người. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc, nhắc nhở các thành viên của tổ nộp lãi, gửi tiết kiệm hàng tháng và trả vốn vay khi đến hạn. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động, quản lý tốt nguồn vốn nên tổ không có nợ quá hạn, thu lãi và tiền gửi tiết kiệm đạt 100%.
Chị Lê Thị Mộng Nhi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần cho biết: là xã có đông đồng bào Khmer, việc đầu tư và quản lý vốn để các hội viên đoàn thể đầu tư nhiều mô hình sản xuất vươn lên làm giàu là việc làm cần thiết. Để nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, Hội LHPN xã Hiếu Tử cùng các tổ TK-VV thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng hộ, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Trong quá trình các đối tượng vay vốn Hội LHPN xã cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi sát sao, tổ chức sinh hoạt, kiểm tra đánh giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đánh giá hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH, Chi nhánh huyện Tiểu Cần, nhìn chung các nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Kết quả, nhiều hội viên phụ nữ gặp khó khăn đã có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống.
Thông qua các chương trình tín dụng, người nghèo được tiếp cận vốn chính sách xã hội để thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2020, toàn tỉnh có 34.941 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ chính sách được vay vốn, tổng doanh số cho vay đạt gần 821 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Trà Vinh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ tín dụng bám sát địa bàn được phân công theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác triển khai tín dụng ưu đãi và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Trà Vinh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bình xét cho hộ dân vay tại các tổ TK-VV, đảm bảo cho vay đúng người.
Nguồn vốn ưu đãi được đầu tư chủ yếu vào các hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, đầu tư cho học sinh, sinh viên vay học tập… từ đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của Nhân dân, nhất là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông người Khmer. Để triển khai cho vay vốn được tốt, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã tập trung xây dựng mạng lưới điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và thành lập các tổ TK-VV ở các ấp, khóm để tăng cường giúp Nhân dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản hiệu quả, giúp Nhân dân giảm nghèo bền vững, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.