18/11/2024 08:54
Chị Phạm Thị Hoàng phân loại rau má trước khi giao.
Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, cần phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức và của chính người nghèo; việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội. Do đó, Hội LHPN các cấp phát huy vai trò xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn TDCS, nhất là từ năm 2014, khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS.
Xuất phát từ quan điểm đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Trà Vinh để hỗ trợ phụ nữ nghèo, có thu nhập thấp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm giúp phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo chung của tỉnh.
Với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, hoạt động ủy thác TDCS thật sự là nguồn lực quan trọng, thúc đẩy phong trào phụ nữ và công tác Hội, đặc biệt đã trở thành “đòn bẩy” có tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện vốn TDCS tại địa phương.
Song song đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo đưa hiệu quả quản lý hoạt động ủy thác vào nội dung tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp Hội. Mỗi cấp Hội phân công cán bộ đầu mối trực tiếp hỗ trợ, theo dõi quản lý nguồn vốn; chủ động phối hợp với NHCSXH tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; tham gia giao ban định kỳ với NHCSXH để nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện hoạt động ủy thác, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng TDCS tại địa phương.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, dư nợ đến cuối tháng 6/2024 của Hội là 1.997 tỷ đồng, tăng 1.220 tỷ đồng so với năm 2014, với gần 58.000 hộ vay; tạo điều kiện cho trên 15.765 hộ vay giải quyết việc làm, phát triển sản xuất; 3.649 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 26.245 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn... có 8.120 hộ hội viên nghèo được vay vốn để thoát nghèo. Qua các mô hình, giải pháp thực hiện đã đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế, giảm nghèo của tỉnh.
Để đạt được thành quả đó, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền 22.668 cuộc, có 601.702 lượt người dự. Đồng thời, tổ chức 10 lớp tập huấn, với 420 lượt người tham dự. Thực hiện kiểm tra 100% Hội cấp huyện; 205 lượt Hội cấp xã; 122 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV); đối chiếu 490 lượt hộ vay; Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đối chiếu 100% Hội cấp xã, phường, thị trấn; 2.273 lượt tổ TK-VV, đối chiếu 11.363 hộ vay vốn; Hội cơ sở kiểm tra 100% tổ TK-VV và 100% hộ vay trong vòng 30 ngày giải ngân…
Nói về nguồn vốn TDCS hiệu quả, đồng chí Lê Thị Hồng Duyên, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Duyên Hải cho biết: đến cuối tháng 9/2024, Hội LHPN thị xã dư nợ hơn 105 tỷ đồng, với 3.186 hộ/hội viên còn dư nợ. Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn TDCS, đã giúp hội viên giảm nghèo đạt chỉ tiêu hàng năm, cùng với địa phương hoàn thành tiêu chí giảm nghèo trong XDNTM, đô thị văn minh.
Đồng chí Trần Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: toàn xã có 3.126 hộ, hiện còn 76 hộ nghèo, chiếm 2,4% và 65 hộ cận nghèo, chiếm 2,05%. Kết quả đạt được có sự đóng góp tích cực của các hội đoàn thể; trong đó, có Hội LHPN xã. Hiện dư nợ của 04 hội đoàn thể gần 08 tỷ đồng, riêng Hội LHPN gần 04 tỷ đồng.
Tại ấp Sa Văng, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, đến thăm mô hình trồng rau má của chị Phạm Thị Hoàng, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ ấp Sa Văng. Chị Phạm Thị Hoàng chia sẻ: gia đình được vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn TDCS, chị đầu tư trồng chanh bông tím và trồng rau má để “lấy ngắn, nuôi dài”. Với 2.800m2, hiện mỗi ngày thu hoạch 120kg rau má, giá 10.000 đồng/kg, thu nhập 1,2 triệu đồng/ngày.
Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt cho biết thêm: sử dụng vốn TDCS hiệu quả nhờ Hội LHPN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội tổ chức khảo sát, nắm sát số phụ nữ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để hỗ trợ vốn phù hợp; phân công cán bộ Hội theo dõi, hướng dẫn giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Có thể nói hoạt động quản lý nguồn vốn ủy thác với NHCSXH, được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội, vừa giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vừa nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội, thu hút phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả vốn TDCS, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các cấp Hội với NHCSXH, chính quyền và các ngành liên quan trong quản lý vốn TDCS, không chỉ trong giải ngân, cho vay, thu nợ, thu lãi mà còn trong trợ giúp các đối tượng thụ hưởng sử dụng vốn hiệu quả, giúp hội viên có điều kiện cải thiện cuộc sống và vươn lên; gắn triển khai TDCS với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển làng nghề truyền thống, mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng...
Đây là kết quả quan trọng của Hội LHPN tỉnh, nhất là trong phối hợp với NHCSXH. Qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ làm chủ tài chính, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.