23/12/2022 10:23
Nông dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè chăm sóc lúa đông - xuân.
Qua trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) nhận định: tình hình sản xuất ở đầu vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023 khá thuận lợi, trong đó, về áp lực mặn xâm nhập như hàng năm chưa xuất hiện; cùng với hệ thống kênh thủy lợi và một số cống lớn đã hoàn thiện, đưa vào vận hành như Bông Bót, Tân Dinh (huyện Cầu Kè), Trạm bơm kênh 3 tháng 2 (Tiểu Cần - Trà Cú)… đã phát huy hiệu quả trong chủ động trữ ngọt và ngăn mặn phục vụ sản xuất. Về dịch bệnh và sâu gây hại trên lúa đông - xuân cũng chưa xuất hiện; khả năng xuống giống vụ lúa đông - xuân năm nay dứt điểm sớm hơn cùng kỳ.
Với giá lúa được thương lái đang thu mua tại đồng ở vụ thu - đông năm 2022 dao động từ 6.600 - 7.000 đồng/kg lúa tươi (cắt bằng máy gặt đập liên hợp), so với giá lúa ở vụ thu - đông năm 2021 tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg. Đây cũng là điều kiện để người trồng lúa bù đắp một phần chi phí giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... ) tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Kế hoạch xuống giống vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023 của Trà Vinh là 52.693ha; đến giữa tháng 12/2022, các địa phương đã xuống giống trên 11.000ha và khả năng diện tích lúa đông - xuân năm nay tăng hơn cùng kỳ khoảng 5.000ha.
Đồng chí Huỳnh Văn Phép, Công chức Địa chính - Xây dựng xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: hiện trên địa bàn xã có khoảng 1.509ha diện tích sản xuất lúa đông - xuân, với các giống lúa Đài thơm 8, OM4900, OM5451… Trong đó, ở vụ lúa thu - đông vừa qua, có trên 50ha diện tích được người dân bỏ vụ, để chuyển sang xuống giống vụ đông - xuân sớm. Đây là vụ lúa có năng suất cao, chi phí sản xuất thấp hơn so với 02 vụ lúa hè - thu và thu - đông, nên nông dân tập trung vào vụ lúa này rất cao. Để giảm các chi phí trong sản xuất, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật của ngành nông nghiệp (03 giảm - 03 tăng + 01 phải; sử dụng sạ hàng tiết kiệm giống…) và kết hợp sản xuất “ngập - khô xen kẽ”, dùng phân hữu cơ vi sinh... giúp người sản xuất giảm khoảng 25 - 30% chi phí phân bón; trong đó, chủ yếu là lượng phân bón Urê (đạm) và kéo giảm sâu bệnh trên lúa.
Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) chia sẻ: hiện hợp tác xã tham gia liên kết cùng với thành viên và nông dân trong vùng kênh bê tông nổi khoảng 110ha. Với giá lúa hiện nay, nhìn chung người sản xuất cũng có lợi nhuận tuy không cao, do chi phí đầu vào như phân bón tăng. Điều kiện sản xuất của nông dân trong vùng kênh bê tông tương đối thuận lợi, năng suất từ 06 tấn/ha trở lên và nhờ tuân thủ tốt lịch thời vụ, quy trình canh tác… nên kéo giảm đáng kể về chi phí đầu vào. Trong vụ lúa đông - xuân, hợp tác xã tiếp tục triển khai xuống giống lúa Đài thơm 8, mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất bán sản phẩm (lúa) cho doanh nghiệp cùng 01 giá; nên các hộ có diện tích canh tác nằm xa trục giao thông hay kênh thủy lợi, việc vận chuyển khó khăn; chất lượng lúa không được đồng nhất… đều được hưởng lợi về giá.
Còn trên địa bàn huyện Cầu Kè, vụ sản xuất lúa đông - xuân năm 2022 - 2023 dự kiến đến cuối tháng 12/2022 sẽ xuống giống dứt điểm với tổng diện tích khoảng 7.599ha. Theo đồng chí Nguyễn Văn Đởm, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực huyện Cầu Kè, mùa vụ đông - xuân năm nay cơ bản thuận lợi về nguồn nước ngọt và diện tích tăng hơn so với cùng kỳ. Giá lúa hiện nay khoảng 7.000 đồng/kg và nếu được duy trì ổn định đến vụ đông - xuân, cùng với năng suất lúa dao động từ 6,5 - 07 tấn/ha, sẽ cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.