18/04/2023 17:58
Phà Kênh Tắt, từ thị xã Duyên Hải về “vùng đảo”, huyện Duyên Hải.
Cần có nghị quyết chuyên đề dành cho “vùng đảo”
Ngày 20/6/2016, tại xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ thông luồng kỹ thuật Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu. Dự án được triển khai thi công năm 2009, tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên đình hoãn từ tháng 01/2013.
Đến tháng 3/2014, dự án được Quốc hội thông qua và tái khởi động; công trình, cải tạo tổng chiều dài 46,5km, gồm 04 đoạn: đoạn Sông Hậu dài 12,1km (từ kênh Quan Chánh Bố về thượng lưu Sông Hậu), đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài 19,2km, đoạn Kênh Tắt dài 8,2km đào mới thông ra biển và đoạn kênh biển dài 07km. Khi thông tuyến, huyện Duyên Hải có 04 đơn vị hành chính: thị trấn Long Thành, xã Long Vĩnh, Long Khánh và Đông Hải trở thành “vùng đảo”.
Sau khi chia tách thành lập thị xã Duyên Hải theo Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH13, ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Duyên Hải có diện tích tự nhiên hơn 31.373ha, dân số 84.043 người; có 07 đơn vị hành chính: Ngũ Lạc, Đôn Châu, Đôn Xuân, Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải và thị trấn Long Thành; có 26,5km bờ biển; nhiều dự án đã, đang triển khai: Khu Kinh tế Định An, Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, các dự án điện gió, Nhà máy sản xuất hydro xanh…
Riêng khu vực “vùng đảo”, diện tích tự nhiên khoảng 21.159ha, dân số 36.368 người. Kinh tế chủ yếu là nuôi thủy sản, khai thác đánh bắt thủy hải sản, có hệ thống rừng ngập mặn ven biển ở các xã Long Vĩnh, Đông Hải và Long Khánh. Trong đó, rừng đước Long Khánh rộng 882ha, rừng bần xã Long Vĩnh 370ha; diện tích 538ha đất thuộc 08 khu đổ bùn là điều kiện thuận lợi để mời gọi đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ. Thế mạnh khu vực này hiện nay là nuôi trồng thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái.
Xuất phát từ thực tế 04 đơn vị hành chính “vùng đảo” hiện nay của huyện Duyên Hải, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm và tìm giải pháp nhằm làm bật dậy toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh của vùng này; tạo cho “vùng đảo” trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Duyên Hải, nhất là phát triển kinh tế biển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội khu vực “vùng đảo” đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Cần có kết cấu hạ tầng hoàn thiện
Hiện kết cấu hạ tầng giao thông “vùng đảo” chưa đáp ứng nhu cầu phát triển tiềm năng: tuyến Quốc lộ 53, đoạn từ phà Kênh Tắt đến phà Láng Sắt, chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng; tuyến Quốc lộ 53B, từ thị trấn Long Thành đến Đông Hải hiện nhỏ hẹp; các tuyến đường giao thông theo Dự án hoàn thiện hạ tầng giao thông “vùng đảo” (giai đoạn 1) chưa được triển khai (theo Quyết định số 3578/QĐ-UBND, ngày 30/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh); tải trọng khai thác của 02 phà Kênh Tắt, Láng Sắt tải trọng tối đa chỉ 25 tấn... do đó, ảnh hưởng đến phát triển các ngành nghề thế mạnh, tiềm năng; hạn chế trong mời gọi đầu tư; chưa thu hút các nguồn lực đầu tư công nghiệp chế biến, sản xuất phục vụ thủy sản; lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch chưa được khai thác.
Tuyến Quốc lộ 53 đoạn từ phà Kênh Tắt đến đến phà Láng Sắt (xã Long Vĩnh) hiện chưa được đầu tư, nâng cấp mở rộng.
Về lĩnh vực này, đồng chí Trần Quốc Hùng, Phó Bí thư thị trấn Long Thành chia sẻ: Quốc lộ 53 hiện hữu rất hẹp, đó chính là một trong những nguyên nhân làm hạn chế của nhà đầu tư vào khu vực này. Kinh tế “vùng đảo” muốn bật dậy, phải hoàn thiện giao thông - đây là điều kiện không thể thiếu trong định hướng phát triển. Nhưng, muốn thực hiện được điều này, địa phương cần sự hỗ trợ của trên…
Đồng chí Lê Vũ Phương, Bí thư Huyện ủy Duyên Hải cho biết: tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm chi phí vận chuyển và thời gian đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, thúc đẩy liên kết vùng của khu vực “vùng đảo” với các khu vực khác của tỉnh, tạo liên hoàn toàn khu vực… cần hỗ trợ của trên. Bởi đó là điều kiện, là nguồn lực để thu hút đầu tư, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng kinh tế đa dạng của “vùng đảo”, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu được thiết kế cho tàu 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải và các tàu biển có thông số kỹ thuật phù hợp ra vào Sông Hậu, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp từ 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm. Bên cạnh đó, Dự án còn hình thành bể cảng tại khu vực cửa kênh Tắt, Trà Vinh và phối hợp với Dự án Xây dựng cảng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác, chia làm 02 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 (2013 - 2015) thông luồng kỹ thuật, kinh phí gần 8.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2015 - 2017) hoàn thành các hạng mục còn lại, kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
|
Tuy nhiên, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng “vùng đảo”, nhu cầu vốn rất lớn. qua khái toán bước đầu, tổng nguồn vốn thực hiện gần 1.767 tỷ đồng; giai đoạn 1 (2021 - 2025), cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông đối với một số dự án cấp bách nhằm giải quyết hạn chế tình trạng sạt lỡ, tổng kinh phí dự kiến 533,209 tỷ đồng (09 tuyến đường); giai đoạn 2 (2026 - 2030), đầu tư hoàn thành các danh mục, dự án được duyệt nhằm cải thiện hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển đô thị khu vực “vùng đảo”, tổng kinh phí dự kiến gần 1.234 tỷ đồng (08 tuyến đường)… tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội chưa phê duyệt.
Trong khi chờ đợi, huyện đề nghị tỉnh đầu tư trước 02 dự án: Dự án thành phần 1, tuyến Long Khánh đến Phước Hội, xã Long Khánh (tuyến N7), dài 2,178km; quy mô đường cấp V đồng bằng và xây dựng mới 01 cầu bằng bê-tông cốt thép, tổng mức đầu tư 66,414 tỷ đồng. Dự án thành phần 4, tuyến Long Khánh đến Vũng Tàu, qua 02 xã Long Khánh, Long Vĩnh (tuyến N5), dài 2,535km, quy mô đường cấp V đồng bằng và xây dựng mới 01 cầu bê tông cốt thép; tổng mức đầu tư 71,051 tỷ đồng; 02 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng vẫn chờ bố trí nguồn vốn để triển khai.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.