07/02/2023 08:50
Ông Nguyễn Văn Tùng (đội nón) ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông theo dõi tôm càng xanh sinh trưởng tại ao nuôi.
Xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang có 05 ấp với hơn 1.660 hộ dân, diện tích tự nhiên hơn 1.760ha, trong đó, diện tích nuôi thủy sản gần 1.300ha. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản và mua bán nhỏ. Nhằm giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững, Hội Nông dân xã triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo trong vận động thành lập THT nuôi tôm càng xanh toàn đực. Theo đó, xã tập trung vận động người dân chuyển đổi vật nuôi từ tôm sú, tôm thẻ chân trắng sang nuôi tôm càng xanh toàn đực và có 32 hội viên tham gia THT.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ ấp Rạch, thành viên THT, trong năm 2022, ông đã hỗ trợ thành viên trong tổ chọn hơn 1,8 triệu con tôm giống chất lượng để nuôi. Riêng gia đình ông nuôi được 02 ao tôm, diện tích 0,6ha, năm vừa rồi, tôm càng xanh thương phẩm bán được giá khá cao từ 240.000 - 280.00 đồng/kg, sản lượng gia đình ông thu được khoảng 01 tấn. Định kỳ hàng tháng, tổ hợp tác họp 01 lần để có kế hoạch vần công bẻ càng cho các thành viên trong tổ, việc bẻ càng, thu tỉa giúp tôm lớn nhanh, góp phần cải tạo môi trường sống và hạn chế dịch bệnh trên tôm.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: Hiện thành viên nuôi tôm càng xanh toàn đực có thu nhập ổn định hơn với nuôi tôm sú và tôm thẻ vì nó ít rủi ro bệnh tật. Hơn nữa, các thành viên đoàn kết với nhau, đồng tình, hợp tác nuôi tôm, cùng phát triển THT. Các thành viên góp công hỗ trợ nhau bẻ càng, thu tỉa, không mướn thêm người làm nên ít tốn chi phí, nhờ vậy, hộ nào cũng thu lợi nhuận từ 50 đến trên 100 triệu đồng/năm.
Ngoài việc được tập huấn kiến thức nuôi tôm càng xanh toàn đực và được cán bộ nông nghiệp xã tư vấn kỹ thuật, 32 thành viên THT còn góp vốn xoay vòng để thành viên có nhu cầu mua con giống tốt và thức ăn cho tôm, mọi người trao đổi kỹ thuật trong quá trình nuôi, giúp tôm sinh trưởng tốt, tăng sản lượng. Điểm nhấn của mô hình dân vận khéo này là thông qua công tác dân vận, thành viên THT liên kết lại với nhau trong suốt quá trình nuôi tôm. Khi tôm khoảng 04 tháng tuổi thì hỗ trợ nhau bẻ càng cho tôm nhanh lớn, giúp giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, thành viên THT còn tổng kết vụ nuôi rút kinh nghiệm cho vụ mới, giúp sản xuất ngày càng hiểu quả, sản lượng tôm tăng đều từ 0,7 tấn/ha lên 01 - 1,2 tấn/ ha.
Ông Nguyễn Văn Lý, ngụ ấp Rạch, cùng là thành viên THT chia sẻ: thời tiết thay đổi thất thường, tôm càng xanh có sức đề kháng cao hơn tôm sú và tôm thẻ chân trắng nên ít nguy cơ nhiễm bệnh, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Khi tham gia mô hình dân vận khéo bản thân tôi và các thành viên trong tổ nhận thấy có nhiều mặt thuận lợi, cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi nên chi phí đầu vào nó giảm đáng kể. Đặc biệt, khi cùng bán với số lượng lớn, liên hệ với thương lái nên bán cũng dễ dàng hơn.
Theo lãnh đạo xã Hiệp Mỹ Đông, hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh đã tạo sự lan tỏa rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhờ dân vận khéo nên kinh tế địa phương phát triển, chuyển đổi cơ cấu phù hợp, giúp nâng cao mức sống người dân. Quá trình thành lập THT nuôi tôm càng xanh ở ấp Rạch đến nay, THT đạt lợi nhuận cao, không có thành viên lỗ vốn, dịch bệnh trên tôm hạn chế đáng kể so với việc nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Đồng chí Lê Văn Phợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiệp Mỹ Đông, cho biết: thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể xã thực hiện mô hình dân vận khéo, vận động hội viên, người dân chuyển đổi vật nuôi phù hợp. Trong đó, Hội Nông dân xã thực hiện mô hình dân vận khéo “vận động thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực”. Qua đó, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ban đầu, người dân còn băn khoăn vì chuyển sang vật nuôi mới, chưa dám mạnh dạng đầu tư nhưng khi tham gia THT, hiệu quả kinh tế tích cực, năm 2022, 100% thành viên tổ hợp tác đều có lợi nhuận. Sắp tới, xã tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân phối hợp hội, đoàn thể để nhân rộng mô hình này ra các ấp khác trong toàn xã, tạo thu nhập ổn định cho người dân, giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội.
Theo đánh giá của Ban Dân vận huyện ủy Cầu Ngang, mô hình “vận động thành lập THT nuôi tôm càng xanh toàn đực” của xã Hiệp Mỹ Đông là một trong những mô hình “Dân vận khéo” lĩnh vực kinh tế đạt hiệu quả thiết thực được triển khai trong năm 2022. Đây là giải pháp hữu hiệu, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thông qua phong trào dân vận khéo, Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã Hiệp Mỹ Đông thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia các loại hình kinh tế hợp tác, thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản tại phát triển địa phương.
Bài, ảnh: MINH THÙY - NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.