31/12/2020 08:55
Gian hàng của tiểu thương Thạch Thị Sa Home.
Chợ Lò Ngò xây dựng trên diện tích 2.667m², chợ hoạt động từ năm 2003 đến nay, trước đây chợ Lò Ngò được hình thành do một số hộ dân trong xã nhóm chợ để kinh doanh mặt hàng tự sản tự tiêu, từ đó hoạt động thương mại nơi đây tạo điều kiện cho “người mua người bán” thuận tiện trao đổi hàng hóa, chợ thu hút nhiều khách thương buôn trong và ngoài xã đến kinh doanh nên việc buôn bán tại chợ Lò Ngò ngày càng đông đúc và hiệu quả với 88 tiểu thương đăng ký kinh doanh tại chợ - theo bà Kim Thị Tuyết Mai, Ban Quản lý chợ Lò Ngò chia sẻ.
Tiểu thương Huỳnh Thị Bích Ngân chuyên kinh doanh mặt hàng tôm, cá, mực tại chợ Lò Ngò bộc bạch: từ khi chợ được chuyển giao Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng chợ Lợi Nhân quản lý đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ khang trang, thông thoáng hơn, việc kinh doanh thuận lợi hơn. Theo bà Ngân, trước đây chợ hoạt động kinh doanh cả ngày, thời gian gần đây, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn do công nhân ở Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong nghỉ việc bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thu nhập giảm đáng kể. Hàng ngày, với 500kg tôm cá, mực các loại thu lợi nhuận từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày, có ngày lợi nhuận khoảng 01 triệu đồng, nay chợ chiều vắng công nhân, lợi nhuận thu khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Tiểu thương Thạch Thị Sa Home, ấp Lò Ngò, xã Song Lộc, huyện Châu Thành kinh doanh rau củ quả các loại tại chợ Lò Ngò cho biết: gia đình không đất sản xuất, cuộc sống hàng ngày dựa vào nghề buôn bán tại chợ. Trước đây vợ chồng bà sống bằng nghề làm thuê theo mùa vụ thu nhập bấp bênh, từ khi chuyển sang mua bán rau củ quả, thu nhập khá ổn định, cuộc sống dần cải thiện, gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mua bán tại chợ và thu nhập giảm, lợi nhuận hơn vài chục ngàn đồng/ngày, có ngày khá thu lợi nhuận hơn 100.000 đồng/ngày. Theo bà Home, trước đây, bà thu mua 300kg rau củ quả các loại bán tại chợ Lò Ngò vào buổi sáng, đến buổi chiều bà vận chuyển đến trước cửa Công ty TNHH giày da Mỹ Phong bày bán, từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công nhân nghỉ việc nên số lượng hàng hóa mua đi bán lại giảm đáng kể.
Qua khảo sát của chúng tôi, tình hình hoạt động buôn bán tại chợ cơ bản đi vào nề nếp, hệ thống hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu người mua và người bán. Ngoài nhà lồng chợ, bãi giữ xe, mỗi khu vực bày bán các tiểu thương tự trang bị mái che hoặc dù để thuận tiện trưng bày hàng hóa bày bán, cảnh quan môi trường thông thoáng, hệ thống nước thải đảm bảo, có trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Theo bà Kim Thị Tuyết Mai, sau mỗi buổi chợ các tiểu thương ở đây ý thức cao trong việc thu dọn hàng hóa, vệ sinh gom rác chỗ bày bán để đúng nơi quy định. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán, lượng rác thải sẽ tăng lên, nên ngoài việc thu phí tiền chợ, bà tham gia quét dọn chợ để tạo cảnh quan môi trường sạch, thông thoáng. Ngoài 88 tiểu thương kinh doanh tại chợ, một số hộ tiểu thương phát sinh mới sẽ thuê mặt bằng trước sân nhà của các hộ dân để bày bán thêm mặt hàng hoa kiểng và một số mặt hàng nông sản tự sản tự tiêu. Bên cạnh đó, các tiểu thương tại chợ thu mua thêm một số mặt hàng bánh mứt, dưa hấu,… nhằm đa dạng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người dân vào dịp trước, trong và sau Tết.
Bà Lê Thị Mỹ Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Tử cho biết: trong lộ trình XDNTM, chợ Lò Ngò được quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng nhà lồng, bãi giữ xe,… và đạt chuẩn NTM trong năm 2016. Đến tháng 02/2019, xã thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ Lò Ngò và giao Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng chợ Lợi Nhân quản lý cho đến nay. Để mô hình kinh doanh khai thác và quản lý chợ Lò Ngò ngày càng hiệu quả, Công ty đầu tư cải tạo, nâng cấp các hạng mục nhà lồng cá, thịt, rau củ, thực phẩm tươi sống, khu thịt heo, khô mắm, khu rau củ quả, hệ thống thoát nước nhà lồng chợ, hệ thống phòng cháy chữa cháy ở khu vục chợ, đến nay Công ty đã bàn giao điểm kinh doanh và sắp xếp cho toàn bộ tiểu thương kinh doanh các ngành hàng theo từng khu vực.
Mặc dù thiết bị hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương, nhưng chợ Lò Ngò chưa ổn định, do một số hộ kinh doanh thuê mặt bằng trước nhà dân và sử dụng lối đi chung của chợ để buôn bán. Trường hợp này Công ty đã thông báo với UBND xã Hiếu Tử để hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ và giải quyết. Mặt khác, do khu vực tiểu thương tự nâng cấp, sửa chữa nên tình hình buôn bán tại khu vực này còn lộn xộn không đảm bảo lối đi chung của chợ. Chính vì thế, năm 2020, Công ty tiếp tục đầu tư 3,5 tỷ đồng nâng cấp nhà lồng chợ và sắp xếp lại lần 02 cho toàn bộ tiểu thương kinh doanh tại chợ theo từng khu vực và không cho lấn chiếm lối đi chung của chợ.
Hoạt động giao thương hàng hóa tại chợ Lò Ngò.
Theo bà Lê Thị Mỹ Tiên, thời gian tới, để ổn định việc kinh doanh mua bán của tiểu thương, nhất là vào dịp cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, xã phối hợp với Công ty sắp xếp, bố trí hợp lý cho tiểu thương và người dân kinh doanh mặt hàng hoa kiểng, trái cây và hàng hóa nông sản tự sản tự tiêu. Đồng thời yêu cầu Công ty phối hợp với Ban Quản lý chợ tuyên truyền tiểu thương nâng cao ý thức trong việc kinh doanh trưng bày hàng hóa phục vụ Tết, nhắc nhỡ, giải quyết những tình trạng lấn chiếm lòng đường đảm bảo các lối đi phục vụ việc trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.