05/12/2023 07:32
Ông Nguyễn Văn Vũ kiểm tra lại nhà lưới chuẩn bị trồng vụ màu mới.
Phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, nổi bật với mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Xã Huyền Hội có diện tích tự nhiên 3.472,61ha, trong đó, diện tích nông nghiệp chiếm 3.133ha (2.400 diện tích lúa, 756ha cây lâu năm và 65ha cây màu). Toàn xã có 3.733 hộ, với 16.075 nhân khẩu, dân tộc Khmer chiếm 11,72 dân số. Nhân dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chiếm 85%. Diện tích trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp còn nhiều, hiệu quả kinh tế thấp. Nông dân đa phần sản xuất theo tập quán cũ, chưa mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang các loại cây trồng có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; áp dụng các tiến bộ kha học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo của địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” xã Huyền Hội triển khai, quán triệt kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên được 98 cuộc, có 5.164 lượt người dự. Đến nay, có 243 mô hình ở các lĩnh vực được triển khai thực hiện, trong đó, có 104 mô hình ở lĩnh vực kinh tế. Trước thực trạng trên, Đảng ủy thống nhất chỉ đạo Khối vận chọn mô hình “Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững”. Đây là giải pháp quan trọng và là cơ hội để giải quyết những khó khăn của đoàn viên, hội viên đoàn thể.
Để thực hiện tốt mô hình, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã xây dựng Kế hoạch số 03-KH/UBND, ngày 10/01/2017 “về việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững năm 2017 - 2025 trên địa bàn xã Huyền Hội” gắn với thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Trà Vinh “Ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020”. Qua đó, Đảng ủy thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã Huyện Hội do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban; thành lập Ban vận động chuyển đổi vườn tạp, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây màu do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban.
Căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo, phân công từng thành viên và Ban Thường vụ Đảng ủy xã xuống địa bàn các ấp dự các cuộc họp của đoàn thể, nội dung triển khai lấy ý kiến về chuyển đổi kinh tế và phương án thoát nghèo. Tuyên truyền đoàn viên, hội viên chuyển đổi mô hình từ diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: trồng chanh không hạt, bưởi da xanh, nuôi gà nệm lót sinh học, nuôi lươn không bùn...
Bên cạnh, chỉ đạo cán bộ chuyên môn theo dõi việc phát triển cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả từ các địa phương khác và tăng cường các biện pháp hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, hội viên đầu tư sản xuất.
Từ năm 2020 đến nay, đã vận động 831 hộ chuyển đổi trên 197ha đất sản xuất. Trong đó, chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và cây màu 155ha và chuyển 42ha vườn tạp kém hiệu quả, cho lợi nhuận bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Điển hình, mô hình trồng màu trong nhà lưới được công nhận VietGAP của hội viên Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Vũ, ấp Bình Hội, cho lợi nhuận bình quân 60 triệu đồng/500m2/năm.
Đồng chí Phan Quốc Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã Huyện Hội đánh giá cao mô hình chuyển đổi từ diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng màu, nhất là đối với cây màu trồng trong nhà lưới.
Đến ấp Bình Hội, chúng tôi ghé thăm gia đình hội viên nông dân Nguyễn Văn Vũ và vợ Bùi Thùy Linh. Từ đất lúa kém hiệu quả, gia đình ông Vũ vay ngân hàng 50 triệu đồng chuyển sang trồng 8.000m2 thanh long nhưng thu nhập không ổn định. Vợ ông Vũ (Thùy Linh) bàn với chồng chuyển đổi 2.000m2 đất trồng thanh long chuyển sang trồng hành lá. Sau vụ đầu thu hoạch hành lá, gia đình ông Vũ thu lợi nhuận và trả hết nợ ngân hàng.
Bà Bùi Thùy Linh phấn khởi chia sẻ: “kết quả thu nhập từ cây màu, gia đình tôi chuyển toàn bộ đất trồng thanh long sang trồng màu cho đến nay”.
Đặc biệt, gia đình bà Thùy Linh tham gia đầu tư 500m2 thực hiện mô hình trồng rau thông minh trong nhà lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long làm chủ đầu tư, được Trung tâm Nghiên cứu thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển cộng đồng của Trường Đại học Trà Vinh thực hiện, đơn vị thi công là Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nhiệp Xuân Nông, 352C Đường 30/4, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Mô hình được đầu tư vào đầu năm 2023, đến nay, gia đình bà Bùi Thùy Linh trồng được 04 vụ cải vún bắp (hơn 30 ngày/vụ), với sản lượng 4,2 tấn cải thương phẩm. Chỉ trong 03 vụ đầu, gia đình thu lợi nhuận, trả xong vốn đối ứng đầu tư nhà lưới, với số tiền 24 triệu đồng.
Bà Bùi Thùy Linh cho biết thêm, mô hình trồng rau thông minh trong nhà lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị rất hiệu quả, đem lại lợi nhuận hơn 02 lần so với rau trồng ngoài mô hình.
Ngoài ra, xã Huyền Hội phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: mô hình bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Nghị, ấp Bình Hội lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình phá vườn tre trồng bưởi da xanh của ông Phan Văn Tài, ấp Giồng Mới, lợi nhuận bình quân trên 150 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng bưởi năm roi của ông Kim Tư, ấp Sóc, lợi nhuận bình quân 170 triệu đồng/ha/năm. Mô hình phá vườn nhãn trồng đậu phộng của ông Nguyễn Văn Ai, ấp Trà On, lợi nhuận bình quân 126 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 05 - 07 lần so với trồng lúa. Mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi gà lấy trứng kết hợp đệm lót sinh học hiện nay cũng được nhân rộng ở các ấp, như: Ấp Sóc, Lưu Tư, Kinh A, Kinh B và Cầu Xây... thực hiện việc chuyển đổi kinh tế đã mang lại hiệu quả, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Đến nay, toàn xã Huyền Hội còn 50 hộ nghèo, giảm 24 hộ nghèo; hộ cận nghèo còn 142 hộ, giảm 52 hộ nghèo so năm 2020. Nhiều mô hình chuyển đổi kinh tế đã mang lại hiệu quả tích cực, hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện rõ rệt, hộ khá tăng lên làm giàu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 50,477 triệu đồng/năm, đến nay, tăng lên 60,037 triệu đồng/năm.
Đảng ủy xã Huyền Hội tiếp tục chỉ đạo Khối vận và Ban Chấp hành hội đoàn thể xã lãnh đạo công tác Hội và phong trào cách mạng tại địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên đoàn thể, hàng năm, Khối vận xã Huyền Hội chỉ đạo các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.